Nhằm giúp người nông dân hiểu rõ về tính ưu việt của từng loại phân chứa lân, Hiệp hội Phân bón Việt Nam và Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vừa tổ chức Hội thảo “Một số vấn đề về phân bón chứa lân với cây trồng”.

TS. Hoàng Anh Tuấn - Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam cho biết, từ năm 1985 đến nay, diện tích gieo trồng ở Việt Nam chỉ tăng 57,7%, nhưng lượng phân bón sử dụng tăng tới 517%. Trong đó, tỷ lệ sử dụng phân bón cho lúa chiếm cao nhất, hơn 65%, các cây công nghiệp lâu năm gần 15%, ngô khoảng 9%, còn lại là các cây trồng khác. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực và trên thế giới thì, lượng phân bón sử dụng trên một đơn vị diện tích gieo trồng ở nước ta vẫn còn thấp, năm cao nhất chỉ đạt 195kg NPK/ha.

Cần thông tin rõ về tính ưu việt của từng loại phân lân và cách dùng hiệu quả - Hình 1

Tại hội thảo, nhiều ý kiến của các nhà khoa học, doanh nghiệp, Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho rằng, các đơn vị sản xuất, cơ quan truyền thông cần đẩy mạnh tuyên truyền, nêu rõ thông tin về tính ưu việt của từng loại phân lân (phân bón chứa lân dạng vô cơ, dạng chế biến hóa học; phân lân đơn, phức hợp; phân lân nung chảy; phân lân superphosphat…), cách sử dụng, tác dụng của loại phân nào phù hợp với cây trồng nào, loại đất nào… để giúp nông dân hiểu rõ và sử dụng đúng phân cho từng chất đất, cây trồng nhằm đạt hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp.

Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón, ông Phùng Hà khuyến nghị các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường rà soát các tiêu chuẩn được ban hành phù hợp, dễ thực hiện, khó bị hiểu sai hay lợi dụng; đồng thời, có chế tài để giám sát tốt hơn hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón; hạn chế việc sản xuất, lưu hành phân bón giả, phân bón kém chất lượng.

Đối với các doanh nghiệp và nhà sản xuất, ông Hoàng Anh Tuấn cho rằng, cần tuân thủ nghiêm túc quy trình công nghệ để đảm bảo chất lượng sản phẩm. Việc phối trộn các loại phân đơn và phụ gia để tạo ra sản phẩm NPK phải theo nguyên tắc, tránh các phản ứng làm mất đạm hoặc thoái vị lân trong quá trình sản xuất và bảo quản phân bón.

“Các doanh nghiệp và nhà sản xuất cần công bố rõ ràng chất lượng sản phẩm, không nhập nhèm các khái niệm hàm lượng nguyên chất với hàm lượng dinh dưỡng tuyệt đối... gây khó hiểu hoặc hiểu sai đối với người sử dụng”, ông Hoàng Anh Tuấn lưu ý.

Liên quan đến Nghị định 108/2017 NĐ-CP ngày 20/9/2017 về quản lý phân bón, tại hội thảo, nhiều doanh nghiệp chia sẻ, kiến nghị về những vướng mắc, chưa phù hợp với thực tế sản xuất đang ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh như những quy định liên quan đến bao bì sản phẩm, hàm lượng ẩm (một số sản phẩm), tỷ lệ một số thành phần quy định trong các sản phẩm phân bón...

Bởi nhiều sản phẩm phân bón đã và đang được yêu thích, sử dụng hiệu quả tại nhiều khu vực canh tác, nhưng nếu theo nghị định, sẽ phải điều chỉnh hàm lượng một số thành phần.

 Hải Đăng