Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. (Ảnh: internet)

Theo đó, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã đề nghị cơ quan công an một số địa phương về hành vi vi phạm pháp luật của một số tổ chức như Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại dịch vụ tư vấn du lịch và du học quốc tế T&Q, Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại và dịch vụ du lịch L&R… Các công ty này đã tổ chức tuyển chọn và thu tiền của người lao động để cam kết đưa đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc theo thị thực E8.

Đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước khẳng định chương trình đưa lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc là chương trình hợp tác phi lợi nhuận giữa địa phương của Việt Nam và Hàn Quốc do cơ quan chức năng của địa phương tổ chức triển khai thực hiện, không có sự tham gia của bất kỳ doanh nghiệp nào.

Theo thông tin mà Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đưa ra, hiện nay đã có 12 địa phương trên cả nước gồm: Đà Nẵng, Đồng Tháp, Thái Bình, Hà Nam, Hà Tĩnh, Thừa Thiên-Huế, Cà Mau, Quảng Bình, Hậu Giang, Hà Giang, Lai Châu và Tuyên Quang đã ký thỏa thuận với các địa phương của Hàn Quốc để đưa lao động thời vụ đi làm việc tại Hàn Quốc.

Điều kiện tham gia chương trình là lao động tuổi từ 30-50, là công dân cư trú dài hạn tại địa phương ký thỏa thuận; có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, không có tiền án và không thuộc diện cấm không được xuất cảnh, tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật; có đủ sức khỏe để đi làm việc ở nước ngoài; đang làm việc trong lĩnh vực ngành nông nghiệp, ngư nghiệp…

Về quyền lợi, người lao động được trả lương theo mức lương tối thiểu quy định hàng năm của Hàn Quốc (năm 2023 mức lương là 2.010.580 KRW/tháng, khoảng 36 triệu đồng/tháng). Tiền làm thêm giờ, làm vào các ngày nghỉ theo Luật Lao động của Hàn Quốc.

Về điều kiện ăn ở, người sử dụng lao động có trách nhiệm bố trí nhà ở đảm bảo an toàn vệ sinh cho người lao động trong suốt thời gian người lao động thực hiện hợp đồng, có thiết bị cảm biến cháy nổ, có đầy đủ hệ thống sưởi ấm, làm mát. Chi phí ăn ở được khấu trừ vào tiền lương hàng tháng và phải thỏa thuận rõ với người lao động (mức tham khảo từ 300.000 won đến 400.000 won/tháng).

Người sử dụng lao động hỗ trợ một phần tiền mua vé máy bay khứ hồi cho người lao động. Người sử dụng lao động có nghĩa vụ đăng ký và chi trả phí bảo hiểm tai nạn lao động cho người lao động trong thời gian làm việc tại Hàn Quốc; cung cấp miễn phí đồ bảo hộ lao động cho người lao động…

Người lao động có trách nhiệm tuân thủ quy định về an toàn lao động trong thời gian làm việc; tuân thủ luật pháp Hàn Quốc, các quy định của địa phương tiếp nhận và về nước ngay sau khi hết hạn hợp đồng.

Để tham gia và tìm hiểu về chương trình, người lao động chỉ liên hệ với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội địa phương nơi cư trú và không đăng ký tham gia với bất kỳ tổ chức cá nhân môi giới. Ngoài ra, người lao động cần thông tin thêm liên hệ Cục Quản lý lao động ngoài nước, số điện thoại 02438249517, số máy lẻ 512, 304.

Bộ Tư pháp Hàn Quốc đã ban hành lênh số 1054 thông báo điều chỉnh một số nội dung của “Quy tắc thi hành Luật quản lý xuất nhập cảnh.” Theo đó, Hàn Quốc cho phép người lao động thời vụ E8 được gia hạn thời gian cư trú, tổng thời gian cư trú không vượt quá 8 tháng tính từ ngày nhập cảnh.

Việc gia hạn thời gian cư trú được áp dụng ngay từ ngày 30/6/2023 đối với cả lao động thời vụ đang làm việc tại Hàn Quốc theo visa E8. Trước đó, lao động thời vụ làm việc tại Hàn Quốc theo visa E8 có khoảng thời gian cư trú tối đa là 5 tháng. Lao động thời vụ trong chương trình này, nếu làm việc trung thành, có thể được mời và phái cử sang Hàn Quốc liên tục hằng năm.

Kim Huệ