Sim số đẹp thường xuyên bị khủng bố, nhũng nhiễu, phiền hà

Cụ thể, thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, trong 06 tháng đầu năm 2022 đã phát hiện hơn 74 triệu cuộc gọi phát sinh từ thuê bao spam call (cuộc gọi rác), tăng 53% so với 06 tháng đầu năm 2021. Những cuộc gọi rác này đã gây ảnh hưởng, phiền hà trực tiếp đến cuộc sống, hiệu suất công việc của người dân.

Ảnh minh họa, nguồn internet
Ảnh minh họa, nguồn internet.

Tuy vậy, theo tìm hiểu, không chỉ cuộc gọi rác mà tin nhắn rác cũng nhũng nhiễu, phiền hà không kém.

Chị Phạm Thanh Huyền (29 tuổi, ở Hà Nội) cho biết, từ khi đổi sim mới có số tứ quý ở đuôi, khoảng 1 năm nay, chị nhận được hàng nghìn tin nhắn từ số lạ gạ cắm, thế chấp hoặc bán sim với giá cao.

Từ hình ảnh chụp màn hình tin nhắn số sim rác của chị Huyền, chúng tôi rà soát thì thấy nguồn phát tin nhắn từ nhiều số điện thoại khác nhau. Trong đó, có tin nhắn gửi hẳn đường dẫn tới web giới thiệu về đơn vị nhận cầm cố sim có tên là công ty TNHH Viễn thông Thăng Long Hà Nội. Địa chỉ: 43 Đường Phạm Văn Đồng,Chung Cư Thái Hà, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

"Đó là một hình thức quấy rối. Tôi đề nghị cơ quan chức năng phải có biện pháp quản lý như không cho mua bán SIM đã hòa mạng để tránh trường hợp những người dùng SIM số đẹp như tôi bị làm phiền" - chị Huyền nói.

Không chỉ quấy rối các sim số đẹp, các sim rác thời gian qua cũng thường xuyên gửi các tin nhắn mời chào việc nhẹ, lương cao có dấu hiệu đa cấp, lừa đảo hay mời tham gia các đường dây cờ bạc, cá độ.

Cách ngăn chặn cuộc gọi, tin nhắn rác

Luật sư La Văn Thái (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết, Nghị định 15 về "xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử", có nhiều điều khoản chi tiết về xử lý tin nhắn rác.

Theo đó, việc gửi thông tin mang tính thương mại vào địa chỉ điện tử của người tiếp nhận khi chưa được người tiếp nhận đồng ý hoặc khi người tiếp nhận đã từ chối, không có phương thức để người tiếp nhận từ chối nhận thông tin sẽ bị phạt 10-20 triệu đồng.

Hành vi thu thập thông tin cá nhân khi chưa có sự đồng ý của chủ thể về phạm vi, mục đích sử dụng và cung cấp thông tin đó cho bên thứ ba khi chủ thể đó đã yêu cầu ngừng cung cấp sẽ bị phạt 10-20 triệu đồng. Còn hành vi gửi tin nhắn quảng cáo đến người nhận nhưng chưa được sự đồng ý của họ sẽ bị phạt 5-10 triệu đồng.

“Với các quy định của pháp luật hiện hành, cơ quan chức năng hoàn toàn có chế tài để xử lý đối với các đối tượng phát tán tin nhắn rác trái quy định” - Luật sư La Văn Thái nói. Cũng liên quan đến việc xử lý SIM rác, tin nhắn rác, trong thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai các biện pháp nhằm tăng cường công tác quản lý thông tin thuê bao.

Theo đó, cơ quan quản lý đã yêu cầu xử lý các SIM có thông tin không đúng quy định; yêu cầu nhà mạng rà quét thông tin thuê bao theo các tiêu chí (số CMND/CCCD), xác định các thuê bao nghi ngờ; thu hồi, ngăn chặn SIM có dấu hiệu kích hoạt sẵn còn tồn trên kênh phân phối; phối hợp với Bộ Công an tổ chức kiểm tra công tác quản lý thuê bao và xử lý vi phạm tại 7 doanh nghiệp viễn thông di động và các đại lý.

Một trong những kết quả đạt được là từ tháng 09/2021 đến nay, 100% SIM thuê bao được đăng ký mới của cá nhân (tương ứng với 8 triệu SIM) đều được các nhà mạng Viettel, VNPT/VinaPhone, MobiFone xác thực qua video call (cuộc gọi có hình ảnh). Từ tháng 06/2022, các SIM thuê bao đang hoạt động của nhà mạng đã có đủ thông tin đáp ứng các tiêu chí đề ra.

Hoàng Thăng (t/h)