Tiền giả polymer mệnh giá 500.000 đồng (seri UF, DQ); 200.000 đồng (seri QH, KD) có đặc điểm nhận biết: Hình ảnh, hoa văn không sắc nét; hình định vị không khớp khít; mực đổi màu (OVI) được in giả cùng hình ảnh hoa văn mặt trước, không có hiệu ứng đổi màu như tiền thật; mảng ký tự siêu nhỏ là dải mực nhòe; cửa sổ lớn, cửa sổ nhỏ có định dạng không rõ ràng, không cân đối; các cửa sổ được làm giả bằng cách khoét thủng nền giấy, dán nilon khu vực cửa sổ, phủ lớp nilon mỏng trên toàn bộ hai mặt tờ tiền hoặc chỉ phủ lớp nilon mỏng ở mặt trước tờ tiền; khi soi dưới đèn cực tím khu vực cửa sổ phát quang, seri dọc và seri ngang không phát quang.

Ngoài ra, chưa làm giả các yếu tố bảo an như: nét in nổi, hình bóng chìm, dây bảo hiểm, cụm số mệnh giá dập nổi trong cửa sổ lớn, hình ẩn trong cửa sổ nhỏ và mực không màu phát quang.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Công an tỉnh Bắc Giang đề nghị người dân khi phát hiện tiền giả hoặc có người sử dụng, tiêu thụ, vận chuyển tiền giả, thì báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất.

Pháp luật hiện hành đã quy định đầy đủ và có chế tài nghiêm khắc về hành vi mua bán tiền giả. Điều 23 Luật Ngân hàng Nhà nước năm 2010 quy định: Làm tiền giả, vận chuyển, tàng trữ, lưu hành tiền giả là một trong các hành vi bị cấm. Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về hành vi làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả tại Điều 207 như sau:

“1. Người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

2. Phạm tội trong trường hợp tiền giả có giá trị tương ứng từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.

3. Phạm tội trong trường hợp tiền giả có giá trị tương ứng từ 50.000.000 đồng trở lên thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

4. Người chuẩn bị phạm tội này thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.” 

Thiên Trường (T/h)