Theo thông tin từ phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Lâm Đồng, từ đầu năm đến nay đơn vị đã tiếp nhận 5 đơn trình báo của các nạn nhân bị lừ đảo qua mạng xã hội. Qua nghiên cứu thì thủ đoạn của các đối tượng là tạo các tài khoản facebook giả mạo để làm quen, kết bạn, tự giới thiệu là người thành đạt rồi ngỏ lời yêu thương, muốn tiến tới hôn nhân và thông báo có tài sản lớn muốn gửi về Việt Nam. Để nhận được tài sản, nạn nhân phải đóng nhiều khoản phí có khi lên đến hàng tỷ đồng. Cũng có khi đối tượng chiếm quyền điều khiển các tài khoản, chủ yếu là facebook sau đó vay mượn tiền hoặc nhờ nạn nhân mua thẻ cào để chuyển cho đối tượng.

Mới đây nhất, ngày 15/7/2017 lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An đã tiến hành triệu tập đối tượng Nguyễn Thị Hà (SN 1991), trú tại Nghi Phong, Nghi Lộc, Nghệ An có dấu hiệu thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên mạng xã hội Facebook.

Cảnh giác với các chiêu trò lừa đảo qua mạng xã hội - Hình 1

Cần cảnh giác với các hiện tượng lừa đảo qua mạng xã hội

Cụ thể, Nguyễn Thị Hà đã lập ba tài khoản Facebook để mua bán hàng hóa là quần áo trên mạng xã hội. Đánh vào tâm lý mua hàng giá rẻ, chất lượng tốt, bằng thủ đoạn tinh vi, Nguyễn Thị Hà đã dùng các tài khoản Facebook tạo niềm tin với người mua và tiến hành các giao dịch. Tuy nhiên, khi khách hàng chuyển tiền và nhận được số hàng hóa mình đã mua thì Nguyễn Thị Hà đánh tráo bằng hàng kém chất lượng và giá trị thấp hơn.

Một nạn nhân khác trú tại TP Đà Lạt cũng bị lừa mấy 10 triệu đồng chỉ vì chủ quan. Sáng ngày 30/5 bà nhận được tin nhắn trên facebook của người anh rể có tên Thắng Nguyễn đang sống tại nước ngoài đề nghị bà cho mượn 30 triệu đồng, để ông Thắng Nguyễn giúp một người bạn. Bà liền chuyển ngay 10 triệu đồng nhưng sau đó được biết là mình đã bị lừa.

Trước những thủ đoạn lừa đảo trên, cơ quan Công an khuyến cáo, hạn chế việc đăng tải quá nhiều thông tin cá nhân như: Ngày sinh số CMND, bằng lái xe, tài khoản ngân hàng, gia đình, cơ quan… lên mạng xã hội tranh việc bị các đối tượng lợi dụng. Khi nhận được các thông tin thông báo của những cơ quan, tổ chức, cá nhân về việc nợ cước, trúng thưởng, khuyến mãi… cần tiến hành kiểm tra lại thật kỹ thông tin tại website chính thức của đơn vị thông báo.

Không vội vàng thực hiện theo các yêu cầu của đối tượng. Nếu người thân nhắn tin qua các ứng dụng Facebook, Zalo, Viber… nhờ giúp đỡ thì cần trực tiếp gọi điện thoại lại để nói chuyện, xác nhận việc khó khăn tránh bị các đối tượng lừa đảo. Đối với hành vi giả danh cơ quan tư pháp không chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng theo yêu cầu của đối tượng. Các cơ quan Nhà nước không tiến hành làm việc, thu giữ qua điện thoại, việc tạm giữ tài sản, đồ vật luôn được lập biên bản theo quy định.

Ngọc Linh