Chiều 10/6, tại thành phố Cao Bằng, Chủ tịch nước Tô Lâm đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cao Bằng về tình hình quốc phòng - an ninh, cải cách tư pháp, đối ngoại gắn với phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của tỉnh Cao Bằng; cũng như những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Cùng dự buổi làm việc có Phó Thủ tướng Lê Thành Long và đại diện lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương. Về phía tỉnh Cao Bằng có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Trần Hồng Minh và các đồng chí trong Ban lãnh đạo Tỉnh ủy.
Khai thác có hiệu quả các tiềm năng lợi thế của địa phương
Bí thư Tỉnh ủy Trần Hồng Minh cho biết, trong 3 năm qua, từ sau Đại hội XIII của Đảng và Đại hội XIX của Đảng bộ tỉnh, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cao Bằng đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, thống nhất, đổi mới tư duy lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa xây dựng và ban hành 3 chương trình trọng tâm, 3 nội dung đột phá thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XIX của Đảng bộ tỉnh.
Đến nay, tỉnh đã có 3/18 chỉ tiêu đạt, 10/18 chỉ tiêu đạt trên 70% và nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ khác của Nghị quyết Đại hội XIX của Đảng bộ tỉnh đề ra đang tiếp tục triển khai thực hiện khá tốt. Giai đoạn 2021-2023, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 5,46%; bằng 68,2% so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội.
Tỉnh đã tập trung thu hút các nguồn lực nhằm khai thác có hiệu quả các tiềm năng lợi thế của địa phương như: Kinh tế cửa khẩu, du lịch, nông nghiệp... góp phần tăng thu ngân sách, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng du lịch, dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp. An ninh lương thực được bảo đảm; các đề án, dự án về phát triển nông nghiệp, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được quan tâm thực hiện.
Tỉ lệ hộ nghèo bình quân hằng năm giảm trên 4%, đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra.
Tham gia ý kiến tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đã phân tích làm rõ những tiềm năng, thế mạnh, kết quả đạt được, đồng thời chỉ ra những mặt còn tồn tại, hạn chế làm cản trở sự phát triển của tỉnh Cao Bằng.Để Cao Bằng có những bước phát triển mạnh mẽ hơn nữa, đại diện các bộ, ngành Trung ương đề nghị lãnh đạo tỉnh cần xây dựng các đề án, chiến lược phát triển dựa trên những tiềm năng, thế mạnh; đồng thời có giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế cửa khẩu, phát triển du lịch, hai trong ba mục tiêu chiến lược mà tỉnh đã đề ra. Cùng với đó, phải tiếp tục đẩy mạnh nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, các hoạt động văn hóa - xã hội; thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững, cải thiện đời sống cho nhân dân…
Tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã trả lời, giải đáp cụ thể các ý kiến, kiến nghị của tỉnh Cao Bằng với tinh thần tạo mọi điều kiện để tỉnh phát triển. Phó Thủ tướng ghi nhận và chỉ đạo các bộ, ngành tiếp thu, xử lý theo thẩm quyền, còn những vấn đề vượt thẩm quyền thì tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét giải quyết.
"Thúc đẩy nội lực, thu hút ngoại lực"
Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch nước Tô Lâm ghi nhận và đánh giá cao những thành tích, kết quả mà Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng đã đạt được.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch nước, bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh ở Cao Bằng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tỉ lệ hộ nghèo, nhất là trong đồng bào dân tộc thiểu số còn cao so với cả nước, quy mô nền kinh tế và dân số còn nhỏ, thuộc những địa phương thu ngân sách ít nhất cả nước, chưa thu hút được nhiều dự án có quy mô, năng lực sản xuất lớn.
Nhấn mạnh Cao Bằng là địa bàn có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, là "phên dậu" và "lá phổi" của Tổ quốc, là "cửa ngõ" phía tây và phía bắc của quốc gia, Chủ tịch nước cho rằng đây là thuận lợi, song cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức đối với tỉnh trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh; đòi hỏi sự đoàn kết, nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa của toàn Đảng bộ, chính quyền, cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và nhân dân trong tỉnh.
Chủ tịch nước nhấn mạnh: Tỉnh cần tiếp tục thống nhất, đồng lòng, hành động quyết liệt; khơi dậy mạnh mẽ khát vọng vươn lên, tinh thần đoàn kết, tự hào, tự tôn dân tộc; phát huy sức sáng tạo, sức mạnh nội sinh, truyền thống lịch sử, văn hóa, con người của vùng đất “cái nôi cách mạng”, tự tin, tự lực, tự cường, không trông chờ ỷ lại.
Cùng với đó, tỉnh phải phát huy cao độ tiềm năng nổi trội, lợi thế cạnh tranh; tạo cơ hội, điều kiện, môi trường thuận lợi để "thúc đẩy nội lực, thu hút ngoại lực", khuyến khích nhà đầu tư, các doanh nghiệp khởi nghiệp, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và ứng dụng khoa học công nghệ.
Đảng bộ, chính quyền tỉnh phải quan tâm công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, bảo vệ chính trị nội bộ; đồng thời tạo chuyển biến mạnh mẽ, đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để tạo bước phát triển mới, có chiến lược đầu tư cho các ngành mũi nhọn, lĩnh vực trọng điểm. Triển khai quyết liệt các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phấn đấu Cao Bằng nằm trong số 30 tỉnh tốt nhất về môi trường đầu tư.
Các cấp chính quyền tỉnh cần chủ động nắm chắc tình hình, phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả âm mưu, hoạt động chống phá của thế lực thù địch, loại trừ nguy cơ, yếu tố tiềm ẩn phức tạp từ sớm, từ xa, ngay tại cơ sở, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống, không để hình thành "điểm nóng". Đồng thời cần xây dựng thế trận an ninh nhân dân, nền an ninh nhân dân gắn với nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân trên cơ sở thế trận lòng dân, dựng lên thành lũy vững chắc để bảo vệ Tổ quốc.
Dẫn lại lời chỉ dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Cao Bằng chí ít cũng phải phấn đấu để cao bằng người ta; phải cao bằng những tỉnh tốt nhất; ", Chủ tịch nước bày tỏ hy vọng những ước nguyện đó của Bác Hồ sẽ trở thành hiện thực dưới sự đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu của toàn thể đồng bào, đồng chí và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng.
Theo chinhphu.vn