THCL Cao Bằng cần đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao; phát triển mạnh các doanh nghiệp nông nghiệp, trang trại, các loại hình kinh tế hợp tác; nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả.
Ảnh minh họa
Đó là nội dung chỉ đạo trong thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Cao Bằng.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Cao Bằng cần tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế đến đầu tư trên địa bàn Tỉnh; tập trung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là nâng cấp quốc lộ và các đường ra cửa khẩu. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu tại chỗ cho hệ thống hành chính và sản xuất kinh doanh. Tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, phấn đấu đến 2020 có 2,5 - 3 nghìn doanh nghiệp. Làm tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng gắn với giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số... xây dựng được các thương hiệu nông sản truyền thống, nổi tiếng, chất lượng cao như hạt dẻ Trùng Khánh, quýt Trà Lĩnh, hồng không hạt, thuốc lá, chè đắng, giảo cổ lam… không chỉ phục vụ cho thị trường trong nước mà còn xuất khẩu.
Tỉnh Cao Bằng cần có quyết tâm chính trị trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh theo tinh thần Nghị quyết số 19/2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 và Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tỉnh Cao Bằng nghiên cứu và có bước đi phù hợp để nâng cao hiệu quả các khu kinh tế cửa khẩu; làm tốt công tác kiểm tra, thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu theo hướng rút ngắn thời gian, giảm tối đa chi phí cho doanh nghiệp.
Đồng thời đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), đánh giá thực trạng, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, có giải pháp cải thiện điểm số, phấn đấu ngay trong năm 2017 nâng khoảng 10 bậc.
Bên cạnh đó huy động hiệu quả các nguồn lực phát triển du lịch. Tập trung rà soát, hoàn thiện quy hoạch tổng thể các điểm, loại hình, sản phẩm, tuyến du lịch phù hợp với tiềm năng và lợi thế so sánh, tăng cường quảng bá, tạo sự liên kết trong vùng và các Trung tâm du lịch lớn của cả nước; xác định du lịch là một trong những hướng phát triển chủ đạo; phấn đấu năm 2017 thu hút được 1 triệu du khách và đến 2020 thu hút được 2 - 3 triệu du khách.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu tỉnh Cao Bằng phát triển các sản phẩm công nghiệp có tiềm năng, thế mạnh, mà trọng tâm là khai thác và chế biến khoáng sản; tháo gỡ khó khăn của một số dự án công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đã và đang đầu tư trên địa bàn. Thực hiện tốt công tác quản lý tài nguyên khoáng sản, quản lý chặt chẽ sản lượng khai thác, bảo vệ môi trường và phù hợp với vùng nguyên liệu cung cấp cho các dự án trên địa bàn tỉnh.
Tiếp tục thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với người có công; bảo đảm an sinh xã hội, trợ giúp hiệu quả đối tượng bảo trợ xã hội và hộ nghèo. Đặc biệt quan tâm các lĩnh vực giáo dục đào tạo, y tế, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn. Làm tốt công tác dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng; củng cố và phát huy vai trò của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
PV