Tình trạng khan hiếm cáp quang đã đẩy giá lên cao và kéo dài thời gian giao hàng, gây tổn hại đến tham vọng triển khai 5G rộng rãi của các doanh nghiệp. Châu Âu, Ấn Độ và Trung Quốc nằm trong số các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Theo hãng phân tích thị trường Cru Group, giá cáp quang tăng khoảng 70% so với vùng đáy tháng 3/2021, từ 3,7 USD lên 6,3 USD/km dây cáp.
Dịch bệnh khiến một số tập đoàn công nghệ, viễn thông phải cắt giảm vốn đầu tư, nhu cầu dịch vụ dữ liệu và Internet gia tăng, dẫn đến thiếu hụt nguồn cung cấp vật liệu quan trọng song thường bị bỏ qua này. Các hãng như Amazon, Google, Microsoft và Meta đều mở rộng trung tâm dữ liệu để đáp ứng nhu cầu tăng đột biến, trong đó đặt nhiều mạng lưới cáp quang quốc tế khổng lồ dưới đáy biển. Chính phủ các nước cũng đề ra mục tiêu tham vọng đối với 5G và băng rộng tốc độ siêu nhanh. Cả hai công nghệ đều cần lượng lớn cáp quang dưới lòng đất.
Michael Finch, nhà phân tích của Cru, cho biết, xét tới chi phí triển khai đột ngột tăng gấp đôi, liệu các nước có thể đạt được mục tiêu về xây dựng hạ tầng và điều này có tác động đến kết nối toàn cầu hay không đã trở thành câu hỏi nhức nhối.
Theo ước tính của Cru, tổng lượng tiêu thụ cáp quang tăng 8,1% trong nửa đầu năm nay so với cùng kỳ 2021. Trung Quốc chiếm 46%, còn Bắc Mỹ ghi nhận tốc độ tăng trưởng nhanh nhất (15%/năm).
Một nguyên nhân gây khan hiếm là giá một số thành phần quan trọng tăng. Chẳng hạn, helium - vật liệu để sản xuất thủy tinh sợi quang - trở nên thiếu hụt do gián đoạn hoạt động tại các nhà máy Nga và Mỹ. Giá helium tăng 135% trong 2 năm qua. Trong khi đó, giá của silicon tetrachloride - một thành phần thiết yếu khác trong sản xuất cáp quang - cũng tăng 50%.
Trang Nguyễn