Ngày 1/7, Luật Căn cước chính thức có hiệu lực thi hành với nhiều điểm mới so với Luật Căn cước công dân 2014, trong đó, chuyển từ cấp “Căn cước công dân” sang “Thẻ Căn cước”; cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt chưa xác định được quốc tịch.
Thẻ căn cước cấp từ ngày 1/7 gồm 2 loại dành cho đối tượng từ 0 tới 6 tuổi và trên 6 tuổi với một số khác biệt. Cụ thể, mặt trước thẻ căn cước cấp cho công dân Việt Nam dưới 6 tuổi sẽ có các thông tin như: Biểu tượng chip điện tử; số định danh cá nhân; họ, chữ đệm và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; quốc tịch...
Mặt trước thẻ căn cước cấp cho công dân Việt Nam từ đủ 6 tuổi trở lên gồm các thông tin: Biểu tượng chip điện tử; ảnh khuôn mặt của người được cấp thẻ căn cước; số định danh cá nhân; họ, chữ đệm và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; quốc tịch.
Mặt sau thẻ căn cước cấp cho công dân Việt Nam dưới 6 tuổi và thẻ căn cước cấp cho công dân Việt Nam từ đủ 6 tuổi trở lên sẽ có thông tin về nơi cư trú; nơi đăng ký khai sinh; chip điện tử; mã QR; ngày, tháng, năm cấp; ngày, tháng, năm hết hạn...
Trước đó, để bảo đảm mọi điều kiện cho nhiệm vụ mới, Công an tỉnh Nam Định, Công an huyện Hải Hậu đã tổ chức phát động thu nhận hồ sơ thẻ Căn cước, giấy chứng nhận căn cước theo Luật Căn cước năm 2023.
Trong hoạt động này, Công an huyện Hải Hậu đã giao các đơn vị khẩn trương hoàn thành chỉ tiêu rà soát, cập nhật thông tin số định danh cá nhân của cha, mẹ, người đại diện hợp pháp khác của công dân dưới 14 tuổi theo chỉ đạo của Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội, Bộ Công an từ trước ngày 25/6, phục vụ công tác thu nhận hồ sơ Căn cước đối với những trường hợp này bắt đầu từ ngày 1/7/2024 đạt hiệu quả cao.
Mai Chiến