Những chiếc ghe tàu, sà lan lớn nhỏ đủ loại tải trọng đồng loạt tập kết kín khúc sông, nổ máy rền vang, thay nhau ra vào theo dòng nước, vươn vòi cắm xuống sông hút cát cả ngày lẫn đêm. Ước tính mỗi ngày đoạn sông Cổ Chiên bị “rút ruột” hàng ngàn khối cát.
Được biết từ cuối năm 2016, tỉnh Bến Tre gia hạn cho Công ty CP Vật liệu xây dựng Bến Tre (chủ mỏ) tiếp tục khai thác cát lòng sông tại mỏ Phụng Châu đến năm 2018 trong khu vực 80 ha với khối lượng 300.000 m3/năm, phương tiện khai thác là “một cần xáng cạp và ghe bơm hút”.
Sở TN&MT tỉnh Bến Tre khẳng định: Mỏ cát được cấp phép nhưng số lượng ghe bơm hút cát vào mỏ mỗi ngày chỉ cho phép 10-12 phương tiện và cấm doanh nghiệp khai thác cát vào ban đêm. Tuy nhiên, thực tế trên đoạn sông này đang tập trung cả trăm phương tiện và các chủ ghe không ngần ngại hút cát bên ngoài khu vực cấp phép bất kể giờ giấc.
"Cát tặc" bị buộc bơm trả lại cát đã hút. Ảnh Bắc Bình
Mới đây, Trưởng phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh Bến Tre, cho biết đơn vị này phối hợp lực lượng chức năng H.Chợ Lách bắt quả tang 22 ghe hút cát trên sông Cổ Chiên từ tối 18 đến sáng 19/7. Trong số này, 20 ghe có phiếu được khai thác cát, mua từ một số mỏ được Bến Tre và Trà Vinh cấp phép đang còn thời hiệu. Tuy nhiên, các ghe lại khai thác tại các vị trí không nằm trong khu vực mỏ được cấp phép của đơn vị bán phiếu. Riêng 2 ghe còn lại không biển kiểm soát.
Cơ quan chức năng đã buộc chủ phương tiện phải bơm trả lại cát xuống lòng sông Cổ Chiên, đồng thời lập biên bản xử phạt với tổng số tiền gần 140 triệu đồng.
Tuy nhiên, tình trạng này chỉ như muối bỏ bể, khi mà hàng trăm tàu ghe vẫn ngày đêm ra vào hút cát, khi thấy bóng dáng cơ quan chức năng thì nhưng tàu này bỏ đi, khi lực lượng chức năng khuất bóng thì chúng lại quay trở lại hút rầm rộ hơn trước.
Cát tặc lộng hành khiến cho những cồn đất, bờ đê thậm chí là đường liên thôn của người dân bị cuốn trôi xuống sông gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của nhân dân.
Được biết, nhiều tỉnh, thành trong khu vực đang siết chặt việc khai thác cát sông để tránh sạt lở nên giá cát tăng vọt lên 100.000-120.000 đồng/khối (tăng gấp 3-4 lần so với trước đây). Vì vậy, các chủ tàu tụ về mỏ Phụng Châu. Chủ mỏ bán phiếu cho nhiều ghe tàu vào khai. Việc khai thác cát ồ ạt khiến đê bao ven sông Cổ Chiên dài gần 1,5 km bị sạt lở toàn tuyến, có đoạn bị sạt lở lấn sâu vào 5 m. Bị sạt lở nên năm nào dân cũng đóng tiền để gia cố đê bao nhưng đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời.
Theo ông Võ Văn Hưng, Trưởng ấp Thành Long, cho biết đã nhiều lần báo cáo tình hình với Công an xã Thành Thới A. “Tôi đã nhiều lần tập hợp thanh niên trong ấp lại để đuổi cát tặc nhưng không hiệu quả. Có vài lần tôi lên được sà lan, đề nghị họ về bên mỏ phía tỉnh Trà Vinh nhưng chủ sà lan ngang nhiên nói bên mỏ đã bị hút sâu lắm rồi nên không hút được nữa”, ông Hưng nói và cho biết ấp Thành Long có diện tích tự nhiên hơn 300 ha nhưng sạt lở do khai thác cát ngày càng nghiêm trọng nên diện tích thực tế đã giảm khá nhiều. Sạt lở đã ảnh hưởng trực tiếp đến gần 100 hộ dân khu vực đuôi cồn có đất liền kề đê sông Cổ Chiên.
Ông Võ Văn Út, Chủ tịch UBND H.Mỏ Cày Nam, cho hay tổ công tác chuyên phòng chống cát tặc của huyện cũng thường xuyên tuần tra trên tuyến sông này và đã xử phạt khá nhiều trường hợp. Tuy nhiên, tình hình vẫn không kiểm soát được. “Khu vực từ nửa sông Cổ Chiên về phía tỉnh Trà Vinh có mỏ cát đang được khai thác. Các sà lan neo đậu trong mỏ cát này, lợi dụng lúc nước ròng là tiến nhanh về bên Mỏ Cày Nam, Bến Tre để hút, nhanh đến độ lực lượng chức năng cũng khó phản ứng kịp”, ông Út nói.
Cũng theo ông Út, do tình hình sạt lở ngày càng nghiêm trọng nên huyện đã xin kinh phí tỉnh xây dựng kè rọ đá để bảo vệ tạm thời cho tuyến đê có nguy cơ sạt lở. Tuy nhiên, đợt này tỉnh chỉ bố trí 2 tỉ đồng nên chỉ đủ xây tiếp kè rọ đá khoảng 150 m, còn lại hơn 250 m đê vẫn chưa tìm được nguồn kinh phí.
Hải Đăng