Sà lan khai thác cát biển trái phép sáng 30/9/2018
Liên tiếp bắt nhiều sà lan cát tặc khủng
Khoảng 1 giờ sáng 30/9/2018, từ tin báo của quần chúng nhân dân, tổ công tác của Đồn Biên phòng Cần Thạnh và Hải đội 2 tổ chức mật phục, bắt quả tang 3 sà lan đang có hành vi khai thác cát trái phép tại khu vực biển Cần Giờ. Tại thời điểm kiểm tra, trên mỗi sà lan chứa khoảng 40 m3 cát biển.
Ba thuyền trưởng là Vũ Bá Hùy (SN 1986), Nguyễn Xuân Hải (1960) và Vũ Tuấn Dư (SN 1971, cùng quê Hải Dương) sử dụng phương tiện sà lan mang số hiệu HD-2999, HD-2588 và HD-2599 đều không xuất trình được bất cứ giấy tờ gì liên quan đến việc khai thác cát.
Đồng thời, cả 3 cũng không chứng minh được nguồn gốc số cát biển đang có trên sà lan. Theo đó, mỗi phương tiện đều được trang bị khoảng 20 máy hút cát với công suất cực lớn. Dự kiến, có thể khai thác trên 100 m3 cát mỗi giờ. Ngay sau đó, tổ công tác đã đưa người, phương tiện vi phạm về đơn vị để tiếp tục điều tra, xử lý theo pháp luật.
Những sà lan hút cát trộm đang bị giữ tại đồn Cần Thạnh (huyện Cần Giờ)
17 giờ chiều 8/9, trong quá trình tuần tra trên vùng biển Cần Giờ, tổ công tác Đồn Biên phòng Long Hòa phát hiện một phương tiện mang số hiệu SG-8168 đang khai thác cát nên yêu cầu dừng mọi hoạt động để kiểm tra. Tuy nhiên, thay vì chấp hành hiệu lệnh của tổ công tác, ông Nguyễn Văn Quân (SN 1985, quê Nam Định, Thuyền trưởng) bất ngờ bẻ lái sà lan chạy ra phía biển, ngăn cản bộ đội biên phòng tiếp cận phương tiện vi phạm. Tổ công tác đã kịp thời khống chế người và phương tiện khai thác cát trái phép.
Tại thời điểm kiểm tra, tổ công tác phát hiện có 6 máy nổ cùng đầu bơm và ống hút cát đang hoạt động hết công suất. Thuyền trưởng Quân không xuất trình được bất cứ giấy tờ nào liên quan đến việc khai thác cát. Khoảng 15 phút sau, tổ công tác tiếp tục phát hiện quả tang phương tiện mang số hiệu BV-1341, do Trần Văn Hoản (SN 1993, quê Nam Định) làm Thuyền trưởng. Tại hiện trường, tổ công tác ghi nhận trên sà lan có 16 máy nổ công suất rất lớn, kèm đầu bơm và ống hút cát đang hoạt động hút cát từ biển. Đồng thời, Hoản cũng không xuất trình được giấy tờ liên quan đến hoạt động khai thác cát biển.
Trước đó, chiều 18/8, tổ tuần tra của Hải đội 2 (BĐBP TP) đang làm nhiệm vụ tại khu vực biển Cần Giờ phát hiện phương tiện số hiệu HD-2888 do ông Phạm Tiến Luật (SN 1973, quê Hải Dương) đang quản lý có hành vi khai thác cát trái phép. Vì vậy, tổ công tác tiến hành kiểm tra thì phát hiện sà lan của ông Luật đang chứa khoảng 380 m3. Tại đây, ông Luật cũng không xuất trình được tính hợp pháp của số cát trên nên tổ tuần tra đã tiến hành lập biên phản vi phạm hành chính, đưa người và tang vật về đơn vị để tiếp tục xác minh, xử lý theo pháp luật.
Khoảng 3 giờ ngày 2/8, Đồn biên phòng Long Hòa (Bộ đội biên phòng TP.HCM) tuần tra tại cửa sông Soài Rạp (xã Lý Nhơn, H.Cần Giờ, TP.HCM) phát hiện 3 sà lan số hiệu ĐN 0988, HD 2476, SG 7519 vận chuyển 1.500 m³ cát biển (mỗi sà lan chở 500 m³ cát) từ hướng biển Cần Giờ vào đất liền.
Qua kiểm tra, 3 thuyền trưởng gồm Trần Văn Viên, Lê Hoàng Khang, Vũ Văn Liêm đều không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc số cát nói trên. Đồn biên phòng Long Hòa đã lập biên bản, tạm giữ sà lan và 1.500 m³ cát để điều tra.
Tàu HP4230 thả “vòi bạch tuộc” hút cát từ dưới biển
Chế tài chưa đủ sức răn đe
Ông S., một ngư dân thường lái ghe đánh cá qua khu vực này cho biết: "Nạn khai thác cát lậu ở đây diễn ra đã từ rất lâu. Họ thản nhiên hút cát bất kể sớm tối mà chẳng sợ ai. Chúng tôi cũng nhiều lần nhìn thấy lực lượng tuần tra, nhưng sau đó các tàu này vẫn công khai hút cát”.
Ngư dân ở đây cho biết, tình trạng hút cát lậu từ nhiều năm đã biến vùng biển này thành vùng nước xoáy, rất nguy hiểm cho tàu bè qua lại.
Theo quan sát, sau khi “no” cát, các tàu này vận chuyển vào bờ và các tàu khác từ bờ ra hay thế. Trước đây, nếu bị bắt quả tang, lực lượng chức năng chỉ có thể xử phạt 20 triệu đồng, thì nay mức phạt đã nâng lên 50-70 triệu đồng. Tuy nhiên, gần đây giá cát liên tục tăng cao, có nơi trên 200.000 đồng/m3. Làm phép tính, một tàu khối lượng 800m3 cát, thu về hơn 160 triệu đồng thì dù có bị phạt nặng hơn, các chủ tàu vẫn bất chấp.
Việc khai thác cát trái phép không những làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, gây tình trạng xói mòn, thay đổi dòng chảy mà còn ảnh hưởng đến các công trình ven sông, ven đê, tác động xấu đến môi trường. Đồng thời, gây nguy hiểm cho tính mạng, tài sản của người dân bám biển và các phương tiện giao thông đường thủy.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM khẳng định, việc khai thác cát tại khu vực cửa biển Cần Giờ là hoàn toàn trái phép, vì từ năm 2013 đến nay, thành phố không cấp bất kỳ giấy phép nào về khai thác cát.
Trung tá Phan Văn Mẫn, Đội trưởng Đội Điều tra giải quyết tai nạn, xử lý vi phạm và tuyên truyền luật giao thông đường thủy, Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy (Công an Thành phố Hồ Chí Minh) nói: “Hiện nay, trên địa bàn, đường thủy không có cấp phép công trình hút cát duy tu luồng. Đối với tuyến đường thủy nội địa hiện chỉ có những công trình cho nạo vét cảng bến để thông luồng, những vị trí này khi nạo vét chỉ có bùn, chứ không có cát”.
Cho đến thời điểm này, mặc dù không có bất cứ dự án hay công trình nào được cấp phép khai thác cát ở khu vực vừa nêu, nhưng việc bơm hút cát trộm vẫn diễn ra công khai, trong một thời gian khá dài. Trong khi đó, ở nhiều nơi, việc xử lý chỉ dừng lại ở mức chế tài hành chính, chưa có một trường hợp nào bị khởi tố.
Thượng tá Nguyễn Văn Sửu, Phó Trưởng phòng Phòng Chống ma túy và tội phạm (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng: Các đối tượng khai thác cát lậu luôn đối phó bằng nhiều thủ đoạn tinh vi. Trong khi đó, lực lượng chức năng không thể sử dụng tàu lớn để tuần tra vì đã bị chính lực lượng trộm cát theo dõi... Do đó lực lượng chức năng phải trưng dụng phương tiện của người dân, xuất kích từ một địa phương khác, việc này cũng xảy ra không ít bất cập.
Thượng tá Nguyễn Văn Sửu cho biết thêm: “Các tỉnh, thành phố địa bàn miền Đông Nam bộ đã có ký quy chế phối hợp đấu tranh với hoạt động khai thác cát ở các khu vực giáp ranh nhưng hiệu quả mới dừng lại ở việc trao đổi thông tin, thống nhất xây dựng kế hoạch. Trong quá trình bắt giữ cũng có phối hợp vài lần nhưng thực ra luôn bị các đối tượng cảnh giới theo dõi nên ở công tác đấu tranh, công tác phối hợp vẫn còn nhiều hạn chế nên chưa đạt được theo mong muốn”.
Tình trạng khai thác cát lậu ở khu vực Cồn Ngựa, Cần Giờ và những địa bàn giáp ranh đã được phản ánh nhiều lần, song đến nay, lực lượng khai thác cát lậu vẫn hoạt động rầm rộ như một đại công trường. Sự im lặng của chính quyền và các đơn vị có trách nhiệm - đã góp phần tiếp tay cho những kẻ hủy hoại môi trường, làm mất an toàn giao thông đường thủy.
Lãnh đạo Bộ đội Biên phòng thành phố cho rằng, cần tăng hình phạt đối với nạn khai thác cát trái phép, thậm chí phải xử lý hình sự một số vụ việc. Bởi lẽ, với lợi nhuận thu được từ việc khai thác cát, các đối tượng cát tặc chấp nhận chịu phạt vài chục triệu đồng nên không mang tính răn đe.
Hải Đăng