Tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an về việc kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh hoạt động kinh doanh cầm đồ, hoạt động cho vay tiêu dùng và điều tra, xử lý các sai phạm của một số công ty cung cấp dịch vụ đòi nợ thuê, vào hồi đầu tháng Ba, Công an TP.HCM phối hợp với Bộ Công an phong tỏa nhiều chi nhánh của Công ty cổ phần Kinh doanh F88 (Công ty F88) để phục vụ công tác điều tra các hoạt động trong lĩnh vực cho vay tiền, cầm đồ...

dddđ
Công an phong tỏa tòa nhà, khám xét Công ty F88 ở TPHCM.

Ngày 28/03, lực lượng cảnh sát cơ động, hình sự của Công an TP. HCM cũng phong toả và kiểm tra Công ty mua bán nợ Galaxy, trụ sở tại phường Linh Tây, thành phố Thủ Đức. Toàn bộ công ty này bị yêu cầu dừng làm việc, phục vụ công tác kiểm tra.

Trước đó, ngày 04/11 năm 2022, các đơn vị nghiệp vụ của Công an TP. HCM cũng kiểm tra hành chính văn phòng Công ty tài chính TNHH MTV Mirae Asset (tại cao ốc H3, đường Hoàng Diệu, phường 6, quận 4). Đến ngày 21/11/2022, Công an tỉnh Quảng Nam tiến hành khám xét trụ sở của Mirae Asset tại Quảng Nam. Ngay sau đó, 13 đối tượng làm việc tại Mirae Asset vừa bị khởi tố vì hành vi vu khống, gọi điện đe doạ nhằm gây sức ép buộc người vay tiền trả nợ.

Đến nay, sau khi kiểm tra hoạt động cho vay tín chấp tiêu dùng trực tiếp và cho vay qua mạng (vay qua app), và F88 hoạt động cầm đồ, các cơ quan chức năng vẫn chưa thông báo kết quả kiểm tra, chưa có kết luận sai phạm của doanh nghiệp, ngoài một số cá nhân có liên quan đến thu hồi nợ.

Trong khi đó, liên quan đến hoạt động cho vay qua mạng (cho vay tín chấp tiêu dùng bằng hình thức đăng ký vay trực tuyên qua các ứng dụng, không cần tài sản thế chấp) của các công ty tài chính tiêu dùng thời gian qua bị nhiều người tiêu dùng phản hồi về việc thu hồi nợ cực đoan, gây phiền nhiễu đến cả những người không liên quan đến các khoản nợ xấu mà doanh nghiệp cho vay chưa thể thu hồi.

Nóng chuyện thu hồi nợ

Hoạt động thu hồi nợ của các công ty đòi nợ thuê có dấu hiệu cực đoan, với hành vi đe doạ, khủng bố tinh thần một số người vay tiền trong thời gian qua đang bị các cơ quan công an ở các địa phương trên cả nước xử lý, khởi tố hình sự nếu vi phạm pháp luật.

Việc chỉ đạo xử lý các công ty đòi nợ thuê, khởi tố vụ án và bị can với các cá nhân có hành vi sai phạm hình sự cho thấy Bộ Công an đang quyết liệt xử lý tình trạng đòi nợ thuê cực đoan, nhằm bảo vệ người tiêu dùng dịch vụ tài chính.

Tuy nhiên, luật sư Trương Thanh Đức, giám đốc Công ty luật ANVI cho rằng, cần tách bạch hoạt động đòi nợ thuê sai phạm, tức có hành vi đe doạ, khủng bố, có dấu hiệu cưỡng đoạt tài sản... với các dịch vụ thu hồi nợ đang hoạt động bình thường. Cần chấp thuận thu hồi nợ như một dịch vụ chính thức, được pháp luật quản lý, để bảo vệ người vay tiền và cả doanh nghiệp cho vay.

"Cần chuyên nghiệp hoá để quản lý, thay vì cấm để xảy ra biến tướng trong hoạt động thu hồi nợ", luật sư Đức nhấn mạnh.

Theo luật sư Trương Thanh Đức, F88 là doanh nghiệp cầm đồ, về bản chất là có tài sản đảm bảo, nên vấn đề nợ xấu và thu hồi nợ không khó khăn bằng các doanh nghiệp cho vay tín chấp (không có tài sản đảm bảo)... Trong khi, các công ty này lại đang cung cấp dịch vụ cho hàng chục triệu khách hàng.

Do đó, vấn đề thu hồi nợ của các công ty này thực sự nhức nhối.

Bảo vệ người dân, cụ thể người cho vay là cần thiết, để đảm bảo đúng quy định của pháp luật, nhưng cũng cần bảo vệ cả người cho vay và cung cấp dịch vụ cầm đồ, tức các doanh nghiệp như F88,...

Bộ Công an kiểm tra các doanh nghiệp trên quy mô lớn, chưa công bố sai phạm cụ thể nào trong chính sách kinh doanh của doanh nghiệp, ngoài các vi phạm hành chính không ảnh hưởng đến quyền lợi người vay cho thấy, vấn đề toàn ngành hiện đang gặp vướng là tính pháp lý trong thu hồi nợ.

Tuân thủ và minh bạch để đáp ứng nhu cầu thị trường

Sau động thái khám xét tại F88 TP. HCM, nhiều địa phương cũng thực hiện kiểm tra hành chính đối với các chi nhánh của F88 nhưng phần lớn là rà soát, chấn chỉnh hoạt động kinh doanh nghiệp của doanh nghiệp. 

Điều này cho thấy, việc kiểm tra của các cơ quan chức năng hiện nay đối với các doanh nghiệp có mục tiêu rất rõ ràng là chấn chỉnh toàn ngành, đảm bảo hoạt động kinh doanh phải minh bạch, đúng quy định của pháp luật.

Bình luận về các hoạt động kiểm tra của cơ quan chức năng đối với các doanh nghiệp cầm đồ và doanh nghiệp tài chính tiêu dùng, trao đổi trên báo chí, Tiến sĩ Võ Trí Thành, nguyên phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, khi các tổ chức tín dụng cho vay chính thức không đáp ứng hết nhu cầu của thực tế đời sống thì cần phát triển các định chế gắn với tài chính vi mô và ''uốn nắn'' các hoạt động cho vay này, để đáp ứng nhu cầu xã hội, giảm thiểu mặt trái của quá trình phát triển.

Ngoài việc kiểm tra, chấn chỉnh, tiến sĩ Võ Trí Thành cho rằng, các cơ quan chức năng phải hoàn thiện dần khuôn khổ pháp lý, để minh bạch hoạt động cho vay, hạn chế hệ lụy xã hội không mong muốn trong thu hồi nợ vay.

Theo VietnamFinance.vn