TMĐT thay đổi liên tục đặt ra nhiều vấn đề cần điều chỉnh. Cụ thể, giao dịch, dịch vụ TMĐT không còn ở phạm vi một quốc gia mà đã xuyên biên giới, đa dạng về chủ thể tham gia. Mô hình TMĐT không chỉ giới hạn ở 2 mô hình phổ biến là website TMĐT, website cung cấp dịch vụ TMĐT như trước đây...
Hoạt động trao đổi, mua bán không thực hiện trực tiếp, dẫn đến chất lượng sản phẩm đôi khi không bảo đảm, nhiều mặt hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ được bán một cách công khai, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường kinh doanh, làm suy giảm niềm tin của NTD. Những đối tượng lợi dụng TMÐT để buôn bán hàng giả, hàng lậu thường có trình độ và am hiểu nhất định về công nghệ thông tin cho nên lợi dụng để lẩn tránh cơ quan chức năng, xóa bỏ dấu vết giao dịch, ẩn danh trên mạng in-tơ-nét, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng trong việc xác minh thông tin, chứng cứ vi phạm để kịp thời xử lý. Chưa kể, các cơ quan quản lý chưa theo kịp sự phát triển nhanh chóng và đa dạng, phong phú của TMÐT, từ đó tạo ra những kẽ hở để gian thương lợi dụng, vì thế khó bảo đảm bình đẳng giữa người mua và người bán.
Nhằm khắc phục những bất cập này, Bộ Công Thương đang chuẩn bị trình Chính phủ Nghị định thay thế Nghị định số 52/2013/NĐ-CP theo hướng xử lý nghiêm những hành vi buôn bán hàng giả trên mạng. Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh cho biết, do tốc độ phát triển TMĐT rất nhanh trong những năm qua nên lần sửa đổi này sẽ không phân biệt giữa TMĐT với thương mại truyền thống, mà có sự bình đẳng giữa 2 loại hình kinh tế. Trước đây chưa quy định trách nhiệm của người quản lý sàn giao dịch TMĐT mà chủ yếu xoanh quanh người bán hàng, trong lần sửa đổi này sẽ quy định trách nhiệm của chủ thể quản lý sàn giao dịch TMĐT.
Đồng tình với ý kiến này, các chuyên gia kinh tế cho rằng, bên cạnh việc sửa đổi các quy định pháp luật phù hợp thực tế còn cần có cơ quan chuyên môn làm đầu mối điều phối cung cấp, chia sẻ cơ sở dữ liệu, thông tin phục vụ công tác đấu tranh chống hàng giả trên môi trường TMĐT.
Hà Trần