THCL Sáng nay, tại TP. Đông Hà (Quảng Trị), Bộ TN&MT phối hợp với các cơ quan liên quan, tổ chức Hội nghị báo cáo kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế.
Trước đó, để đánh giá hiện trạng môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung, Bộ TN&MT đã thành lập Hội đồng với các chuyên gia để có sự thẩm định, kết quả chính xác nhất. Hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo các bộ, ngành, chuyên gia, nhà khoa học và đại diện chính quyền 4 tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế.
Tại hội nghị, ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ TN&MT cho rằng: “Việc công bố kết quả môi trường biển là cấp bách và cần thiết. Để người dân có thể đánh bắt thủy hải sản, Nhà nước sẽ giám sát chặt hệ thống xả thải của Công ty Formosa và các DN, đơn vị khác”.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Trị chia sẻ: “Mong rằng, sau sự kiện này, biển Quảng Trị sẽ trở lại như xưa”.
Tại hội nghị, GS. TS. Mai Trọng Nhuận (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Nhóm chuyên gia thực hiện sẽ trình bày báo cáo kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển tại 4 tỉnh.
Theo GS. TS. Mai Trọng Nhuận, nhóm chuyên gia đã sử dụng nhiều cách tiếp cận và phương pháp đánh giá, trong đó có việc lấy mẫu nước, lấy mẫu trầm tích, mẫu mảng bám keo tụ... Tất cả các mẫu được phân tích trong phòng thí nghiệm, từ đó có kết quả đánh giá bước đầu.
Theo đó, chất lượng nước biển nằm trong giới hạn cho phép theo QCVN 10-2015 của Bộ TN&MT về PH, tổng số chất rắn... Hàm lượng cianua giảm dần từ tháng 5 đến tháng 6 ở Quảng Bình và giảm dần ở cuối Thừa Thiên Huế. Chất phenol trong nước của tháng 5, hàm lượng cao tập trung từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình, đến tháng 6, phenol phân tán và chuyển dịch sang Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, đến nay thì giảm dần.
“Chúng tôi khẳng định, chất lượng nước biển an toàn, chất lượng trầm tích nằm trong giới hạn cho phép. Nhưng ở vùng Sơn Dương (Hà Tĩnh), một số khu vực thuộc Quảng Bình gần bờ biển tập trung cao chất phenol và cianua, cần được giám sát chặt chẽ”, ông Nhuận nói.
Về mảng bám keo tụ, trong các khu vực có rạn san hô và rạn đá ngầm được khảo sát trong tháng 6 vẫn còn hiện tượng lớp màng màu vàng bám trên bề mặt. Hệ sinh thái rạn san hô vào tháng 4, tháng 5 chết trắng, sau đó dần khôi phục và xuất hiện rong phủ tốt hơn. Đánh giá 100% rạn san hô có dấu hiệu bị tẩy trắng một số vùng, nhưng sau đó có sự phục hồi. Đến thời điểm này,k không còn hiện tượng san hô chết hàng loạt như tháng 4, tháng 5.
Trên cơ sở kết quả đánh giá hiện trạng, diễn biến và mức độ ô nhiễm môi trường biển các hệ sinh thái 4 tỉnh miền Trung cho thấy, các thông số đặc trưng môi trường biển, trầm tích ở phần lớn các khu vực đã nằm trong giới hạn cho phép. Tuy nhiên, một số khu vực có dòng xoáy cục bộ (Sơn Dương, phía đông Nhật Lệ, Hòn Sơn Chài) có khả năng phân tán các chất trong nước nên cần phải theo dõi chặt.
Về chất lượng hải sản đánh bắt, theo kết quả kiểm nghiệm đánh giá mức độ an toàn của mẫu hải sản cho thấy, hàm độ một số chất ô nhiễm giảm dần theo thời gian. Vì vậy, cần theo dõi và đánh giá diễn biến chất lượng môi trường và các hệ sinh thái ven bờ biển khu vực miền Trung và giám sát các dự án, khu công nghiệp.
Hoan Nguyễn