Các nhà lãnh đạo Châu Âu tuyên bố châu lục này đã giảm phụ thuộc vào khí đốt Nga kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine. Nhưng đó chỉ là “phần nổi của tảng băng trôi”.
Nhà quan sát Charlie Cooper cho rằng, việc sử dụng ngày càng nhiều khí tự nhiên hóa lỏng vận chuyển bằng đường biển từ Nga có thể khiến Châu Âu phụ thuộc nhiều hơn vào Moscow trong năm 2023, giữa bối cảnh châu lục này đang tìm cách lấp đầy kho dự trữ khí đốt khi mùa đông tới.
Các nhà lãnh đạo EU thường tuyên bố đã giảm mua nhiên liệu hóa thạch từ Nga kể từ khi xung đột nổ ra và điều này sẽ làm sụt giảm doanh thu của Moscow từ năng lượng.
"Chúng ta phải cắt giảm doanh thu của Nga, hiện đang được sử dụng để chi trả cho chiến dịch quân sự ở Ukraine", Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen nhận định hồi tháng Chín.
Trong khi nguồn cung khí đốt từ Nga sang Châu Âu đã giảm đáng kể thì sự kết hợp giữa việc hạn chế dòng chảy khí đốt Nga qua đường ống và việc Châu Âu đa dạng hóa nguồn nhập khẩu năng lượng, trong đó có việc mua LNG từ Moscow lại cho thấy một câu chuyện khác.
Theo các số liệu Politico có được từ Ủy ban Châu Âu, từ tháng 01 - 09/2022, các nước EU nhập khẩu 16,5 tỷ mét khối LNG từ Nga, tăng so với 11,3 tỷ mét khối vào cùng kỳ năm ngoái. Dù vậy, cũng theo số liệu của Ủy ban Châu Âu, việc tăng nhập khẩu LNG chỉ là con số nhỏ so với mức độ giảm nhập khẩu khí đốt từ Nga, theo đó Châu Âu giảm một nửa nhu cầu khí đốt của Nga từ 105,7 tỷ mét khối trong 09 tháng đầu năm ngoái xuống còn 54,2 tỷ mét khối cùng kỳ năm nay.
Theo một phân tích của tập đoàn Montel, Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha và Bỉ là những nhà nhập khẩu LNG chính từ Nga năm 2022, với 1/3 LNG tới Châu Âu được vận chuyển cho Pháp và gần 1/4 con số này tới Tây Ban Nha.
Hầu hết, LNG Nga được vận chuyển tới Châu Âu đến từ công ty năng lượng Novatek, hiện đang vận hành trạm LNG Yamaal ở Tây Bắc Siberia. Một số nước cCâu Âu đã tiến hành các hợp đồng dài hạn để nhập khẩu LNG.
Chỉ có 02 quốc gia ở Châu Âu là Anh và Litva đã dừng hoàn toàn nhập khẩu LNG từ Nga. Anne-Sophie Corbeau, học giả nghiên cứu toàn cầu tại Columbia cho rằng "các bên đều thấy rất thoải mái khi nhắm mắt làm ngơ để LNG" chảy vào Châu Âu.
Về mặt kinh tế, chuyên gia Corbeau cho biết, việc Châu Âu duy trì nhập khẩu LNG từ Nga là một động thái quan trọng. Việc cắt giảm LNG Nga khỏi thị trường EU sẽ khiến các nước Châu Âu phải mua nhiều LNG hơn từ các nơi khác trên thế giới, đẩy giá tăng cao.
"Cái giá phải trả sẽ rất lớn và đó không chỉ là điều vô cùng tồi tệ với Châu Âu mà còn với nhiều quốc gia khi không thể mua LNG".
Tuy nhiên, bà Corbeau cũng nhận định, việc tăng nhập khẩu LNG từ Nga sẽ làm tăng nguy cơ Moscow sử dụng LNG làm "vũ khí địa chính trị".
Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch)
Theo: Politico