Trong khi cuộc xung đột ở Đông Ukraine vốn có nguy cơ tiếp diễn qua mùa đông, còn châu Âu và Nga tiếp tục bất đồng, các chính khách phương Tây lo ngại nguồn cung cấp khí đốt từ Nga sẽ bị ngưng trệ.
Nga hiện là nhà cung cấp khí đốt thiên nhiên lớn nhất cho châu Âu và Công ty Gazprom đáp ứng khoảng 1/3 nhu cầu khí đốt của châu Âu, trị giá khoảng 80 tỉ USD/năm; gần một nửa số năng lượng này được cung cấp thông qua các đường ống trên lãnh thổ Ukraine.
Công ty Gazprom của Nga hiện đáp ứng khoảng 1/3 nhu cầu khí đốt của châu Âu. Ảnh: GAZPROM.COM
Một số nhà kinh doanh đã nâng giá khí đốt mùa đông vì e ngại Nga sẽ bất ngờ ngưng cung cấp loại năng lượng này, động thái sẽ khiến cho giá tăng cao và khu vực Đông Nam Âu nhiều khả năng bị thiếu năng lượng nhất.
Tình thế cấp bách đến mức nhà chức trách khắp khu vực này đang chuẩn bị các kế hoạch để đối phó với những sự cố bất ngờ xảy ra, kể cả biện pháp buộc ngành công nghiệp ngưng sử dụng khí đốt để dành ưu tiên cho các hộ gia đình.
Tuy nhiên, trong khi thị trường và các chính phủ châu Âu đang chuẩn bị cho tình huống xấu nhất, một số nhà kinh doanh lại trông mong điều ngược lại và mong đợi nguồn khí đốt Nga tiếp tục chảy với hy vọng cuộc xung đột ở Ukraine được giải quyết bằng con đường hòa bình.
Trong khi đó, 1/3 số công ty Đức dự đoán công việc giao thương với Nga sụt giảm mạnh trong năm nay do phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga nhưng gần 2/3 số công ty hy vọng hoạt động làm ăn với Nga vẫn vững vàng hoặc được cải thiện.
Đức là bạn hàng lớn nhất của Nga ở Liên minh châu Âu (EU) khi bán sang Nga khoảng 36 tỉ euro hàng hóa trong năm 2013, chiếm gần 1/3 tổng số hàng xuất khẩu từ EU vào Nga.
Thế nhưng, lượng hàng hóa xuất khẩu của Đức sang Nga có thể giảm 20% trong năm 2014 này.
Tháng trước, Bộ Tài chính Đức đánh giá lệnh trừng phạt của phương Tây và sự ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng ở Ukraine là nguyên nhân khiến nền kinh tế Đức bị teo lại trong quý II năm nay.
Theo Reuters