Phát biểu tại buổi họp báo, ông Kulachet Dharachandra, Tổng Giám đốc LSP cho biết: Dự án tổ hợp hóa dầu Long Sơn là dự án đầu tư quan trọng tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, có tổng mức đầu tư hơn 5 tỷ USD, được khởi công ngày 24/02/2018. Sau gần 6 năm xây dựng, đến nay, toàn bộ tổ hợp nhà máy cơ bản hoàn thành, với các hạng mục chính: Cụm cảng chuyên dụng và khu bồn bể, nhà máy tiện ích trung tâm, nhà máy Polyolefin (hoàn thành 100%), nhà máy Olefins (hoàn thành 99%).
LSP đã lên kế hoạch cho giai đoạn chạy thử toàn bộ tổ hợp vào tháng 11/2023. Để chuẩn bị cho quá trình chạy thử nghiệm cũng như vận hành chính thức, LSP khẳng định về an toàn, bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội đều được quan tâm hàng đầu tại tổ hợp.
Cụ thể, cơ sở vât chất đầu tư hiện đại, được tích hợp liền mạch các công nghệ tiên tiến, máy tính hóa và số hóa vào hoạt động của tổ hợp để giảm thiểu tác động đến môi trường và cộng đồng xung quanh. LSP đã đầu tư hệ thống đuốc đốt mặt đất khép kín, không khói, không ánh sáng, không nhiệt và giảm tiếng ồn; đầu tư hệ thống giảm thanh, tường chống ồn; hệ thống xử lý nước thải sinh học chất lượng cao với công suất nhân đôi; hệ thống giám sát và cảnh báo trực tuyến; hệ thống xử lý không khí làm cho khí thải sạch hơn… Điều này giúp đảm bảo khí thải và nước thải đạt tiêu chuẩn cũng như giảm thiểu tiếng ồn và mùi không mong muốn. Bên cạnh đó, LSP cũng ký kết quy chế phối hợp với Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nhằm đảm bảo ANTT, PCCC, ATGT trong giai đoạn vận hành tổ hợp. LSP cũng đã sẵn sàng đội ngũ nhân sự với 984 người được đào tạo, trong đó 80% là người Việt Nam, 20% là người Thái Lan và cho biết sẽ chú trọng chuyển giao phương thức và gia tăng tỷ trọng nhân sự Việt Nam trong giai đoạn vận hành.
Sau 2 tháng chạy thử nghiệm (11 và 12/2023), tổ hợp LSP dự kiến sẽ vận hành thương mại vào đầu năm 2024. Ông Kulachet Dharachandra cho biết, khi đi vào hoạt động ổn định, LSP sẽ sản xuất khoảng 1,4 triệu tấn polyolefin. Đây là nguyên liệu sản xuất ra nhiều loại sản phẩm nhựa phục vụ cho cuộc sống hàng ngày (dụng cụ ngành y tế, ngành nông nghiệp, đồ dùng gia dụng, phụ tùng ô tô, máy giặt… đều có thể tái chế). Điều này sẽ giúp giảm nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu và nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp nhựa trong nước”.
Thanh Huyền