Văn bản của các cơ quan chức năng bị phớt lờ?

Mặc dù nhiều hạng mục của tòa nhà Đơn nguyên 1 (ĐN1) và Đơn nguyên 3 (ĐN3) đã xuống cấp, tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có kinh phí để sửa chữa.

 

 UBND quận Tây Hồ đã nhận đơn khởi kiện đòi phí bảo trì nhà

 Thông tin từ bà Phạm Thị Xuân, Trưởng ban quản trị (BQT) ĐN1 cho biết: Công ty CP Xây dựng số 1 Sông Hồng đã trì hoãn về việc bàn giao số tiền đáng lý ra người dân phải được hưởng từ lâu để sử dụng vào những việc công ích như duy trì, bảo dưỡng thang máy và các hạng mục công cộng khác. Việc bảo dưỡng các hạng mục công cộng khác của chung cư người dân phải đóng góp để sửa chữa”.

Được biết, ngày 24/11/2015, UBND quận Nam Từ Liêm đã công nhận BQT nhà chung ĐN1 và ĐN3, nhưng tới nay phía chủ đầu tư vẫn không thực hiện việc bàn giao phí bảo trì. Vì vậy, cộng đồng cư dân nơi đây đã khiếu nại vấn đề này đến các cơ quan chức năng như Thành phố Hà Nội, Sở Xây dựng, chính quyền địa phương các cấp để có biện pháp chế tài đối với Công ty CP XD số 1 Sông Hồng, thế nhưng sự việc vẫn dừng lại ở các phản hồi văn bản, chưa có chế tài và xử lý.

Điển hình như ngày 29/7/2016, UBND Thành Phố Hà Nội đã có công văn gửi Sở Xây dựng xem xét giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.

Đến ngày 30/9/2016, Sở Xây dụng đã có Công văn số 8654 yêu cầu Công ty CP XD số 1 Sông Hồng tổng bàn giao kinh phí bảo trì 2% phần diện tích chung tại Toà nhà cho BQT.

Đến ngày 14/10/2016, UBND quận Nam Từ Liêm cũng có Công văn số 1773 tiếp tục đôn đốc chủ đầu tư khẩn trương thực hiện các nội dung mà Sở Xây dựng chỉ đạo.

Các văn bản yêu cầu là vậy, thế nhưng đến thời điểm hiện tại, chủ đầu tư vẫn cố tình không bàn giao phí bảo trì khiến BQT khó hoạt động vì thiếu kinh phí, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của các cư dân ở 2 toà nhà ĐN1, ĐN3. Cũng chính vì lý do đó, cư dân toà nhà ĐN1 và ĐN3 đã thống nhất khởi kiện ra toà đòi công lý.

Lợi nhuận khổng lồ từ việc “găm” phí bảo trì

Theo quan điểm của luật sư Nguyễn Tuấn Hưng – Văn phòng Luật sư BQH cho biết: “Công ty CP XD số 1 Sông Hồng “găm” hơn 6 tỷ đồng phí bảo trì là  vi phạm pháp luật. Việc chủ đầu tư không trả phí bảo trì, rõ ràng có dấu hiệu của việc chiếm dụng vốn từ phía các chủ đầu tư, cần phải được xử lý theo đúng quy định của pháp luật”.

Bên cạnh việc chây ỳ trong trả lại phí bảo trì, đơn vị còn nợ thuế của Nhà nước với số tiền lên tới 14,575 tỷ đồng

Thông tin từ đại diện BQT tòa nhà ĐN1 và ĐN3 cho biết: 2% phí bảo trì được trích ra từ tiền mua bán căn hộ ở các dự án là không nhỏ, ước tính chưa đầy đủ, phí bảo trì mà CĐT thu của các hộ dân đến tháng 3/2017 là hơn 6 tỷ đồng.

Chỉ cần một phép tính nhỏ cũng có thể thấy, lợi nhuận thu được trên con số ước tính phí bảo trì của 2 toà nhà kể trên rất lớn. Nếu số tiền gửi càng cao, từ 50 triệu đến trên 1 tỷ đồng/món gửi trở lên và kỳ hạn gửi càng dài thì lãi suất sẽ càng cao. Do đó, số tiền lãi thu được thực tế cũng tăng theo số tiền gửi và thời gian gửi.

Theo biểu tính lãi suất của Vietcombank – một trong những ngân hàng TM đang có mức lãi suất tiền giửi thấp so với các ngân hàng TMCP. Với mức tiền gửi tròn 6 tỷ đồng, áp dụng trên biểu lãi suất thời điểm này tại Vietcombank ở kỳ hạn 12 tháng là 6,5%/năm thì mỗi tháng sẽ cho lãi gần 33 triệu đồng. Còn ở kỳ hạn 1 tháng là 4,3%/tháng, sẽ cho lãi hơn 21 triệu đồng.

Như vậy, xét trên thực tế, BQT ĐN1 và ĐN3 đã thành lập được gần 2 năm, nếu được bàn giao phí bảo trì đúng hạn thì số lãi mà BQT và cư dân nơi đây được hưởng theo lãi suất tiền gửi tính theo kỳ hạn chi trong 1 năm đã thu được gần 400 triệu đồng tiền lãi. Đây là số tiền không nhỏ, sẽ giúp cư dân duy trì, sửa chữa, bảo dưỡng toà nhà.

Bên cạnh việc “chây ỳ” không trả kinh phí bảo trì cho cư dân, mới đây trong danh sách các doanh nghiệp nợ thuế, Công ty CP XD số 1 Sông Hồng cũng được nêu tên với số tiền nợ tính đến hết ngày 31/1/2017 lên tới 14,575 tỷ đồng. 

Điều 109 Luật Nhà ở quy định: “Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày BQT nhà chung cư được thành lập, chủ đầu tư phải chuyển giao kinh phí bảo trì bao gồm cả lãi suất tiền gửi cho BQT để thực hiện quản lý, sử dụng theo quy định của Luật Nhà ở này và có thông báo cho cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh biết. Trường hợp chủ đầu tư không bàn giao kinh phí này thì BQT nhà chung cư có quyền yêu cầu UBND cấp tỉnh nơi có nhà chung cư thực hiện cưỡng chế buộc chủ đầu tư phải thực hiện bàn giao theo quy định của Chính phủ”.

Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 20 Quyết định số 08/2008/QĐ-BXD cũng quy định về quản lý kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư: Đối với kinh phí bảo trì quy định tại khoản 1 Điều 19 của Quy chế này, chủ đầu tư có trách nhiệm lập tài khoản tiền gửi cho từng nhà chung cư tại ngân hàng TM với lãi suất không thấp hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn, kể từ khi đưa nhà chung cư vào sử dụng và bàn giao tài khoản đó cho BQT khi BQT được bầu ra.

 Thương hiệu & Công luận sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

 Duy Thế - Anh Đức