THCL Theo Bộ Tài chính, tổng số tiền phạt chậm nộp thuế và tiền nợ thuế tại các DN được đề nghị xóa, lên tới khoảng 10.000 tỷ đồng.

Ngân sách “oằn lưng” cõng nợ thuế

Trong Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều về Luật Quản lý thuế, Bộ Tài chính vừa có báo cáo trình Chính phủ đề xuất Quốc hội cho xóa nợ tiền thuế, tiền phạt chậm nộp thuế cho một số đơn vị. Theo quan điểm của Bộ Tài chính, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, thách thức, thị trường tiền tệ chưa thực sự ổn định, nợ xấu có xu hướng gia tăng… Do đó, nhiều DN kinh doanh thua lỗ, không có khả năng nộp thuế đúng hạn.

Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, để tháo gỡ khó khăn cho DN và giảm gánh nặng cho cơ quan thuế, Bộ đã đề xuất Chính phủ trình Quốc hội cho phép xóa nợ tiền phạt chậm nộp thuế, tiền chậm nộp thuế của các khoản nợ thuế phát sinh trước ngày 1/7/2013 của những DN gặp khó khăn khách quan. DN phải nộp đủ nợ thuế gốc trước ngày 31/12/2015.

Tuy nhiên, để được lọt vào danh sách được xóa nợ, DN phải đáp ứng một trong các tiêu chí: là DN cung ứng hàng hóa dịch vụ được thanh toán bằng vốn NSNN hoặc có nguồn từ ngân sách; DN có đối tác bị phá sản hoặc phá bỏ hợp đồng dẫn đến DN không có nguồn để trả nợ thuế và tiền phạt chậm nộp. Bộ Tài chính cũng đề xuất xóa nợ tiền phạt chậm nộp thuế, tiền chậm nộp thuế của khoản thuế mà người nộp thuế đã bỏ kinh doanh, giải thể, phá sản. Số tiền nợ thuế của DN bỏ kinh doanh, đã phá sản là khoảng 9.000 tỷ đồng. Số nợ thuế này thời gian qua, cơ quan thuế đã áp dụng mọi biện pháp để thu hồi mà không được. Mặc dù ngành tài chính đã đưa ra khá nhiều lý do xin xóa nợ cho các DN, song tại kỳ họp Quốc hội diễn ra vào tháng 10/2015, đề xuất được xóa khoản nợ thuế, tiền phạt chậm nộp thuế đã không được Quốc hội chấp thuận.

Hà Nội cho phá sản DN thua lỗ

Trong khi ngành tài chính bàn phương án xóa nợ thuế cho DN thua lỗ thì mới đây, UBND TP. Hà Nội ban hành Văn bản số 5318 yêu cầu sắp xếp, CPH DNNN, giai đoạn 2016 - 2020.

Trong giai đoạn này, thành phố triển khai CPH 16 DN 100% vốn nhà nước trực thuộc, gồm: 5 tổng công ty; 4 công ty mẹ - công ty con; 7 công ty TNHH MTV 100% vốn nhà nước độc lập. Đồng thời, sẽ tiếp tục thực hiện các hình thức sắp xếp đối với các DN còn tồn tại, giai đoạn 2011 - 2015 chuyển sang, gồm: CPH Công ty TNHH MTV Haprosimex; cho phá sản Công ty Kỹ thuật điện thông; bán Cửa hàng lương thực số 60 phố Ngô Thì Nhậm; chuyển giao Công viên Tuổi trẻ Thủ đô thuộc Công ty Đầu tư & dịch vụ Tuổi trẻ Hà Nội sang Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội, sau đó thực hiện phá sản Công ty Đầu tư & dịch vụ Tuổi trẻ Hà Nội.

Theo đánh giá của UBND TP. Hà Nội, CPH DNNN, giai đoạn 2016 - 2020, chủ yếu là các DN có quy mô vốn lớn, phạm vi hoạt động rộng, tình hình tài chính phức tạp, số lượng lao động lớn. Do vậy, công tác lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai CPH phải đúng các quy định và quy trình về CPH DNNN; đồng thời, giải quyết kịp thời những tồn tại, vướng mắc phát sinh. Quá trình CPH phải được thực hiện công khai, minh bạch (công khai về số lượng DNNN thực hiện CPH, tình hình SXKD, tình hình tài chính của từng DN; công khai tỷ lệ cổ phần nhà nước nắm giữ tại từng DN…).

Qua đó, tạo điều kiện và niềm tin cho các nhà đầu tư mua cổ phần. Mặt khác, sẽ thực hiện nghiêm túc các chính sách đối với người lao động tại các DN CPH; quan tâm và triển khai thực hiện đúng quy định về chính sách cho người lao động và lao động dôi dư do sắp xếp lại DN, đảm bảo ổn định SXKD, ổn định xã hội. UBND Thành phố chỉ tham gia nắm giữ cổ phần tại các DN theo quy định nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối (trên 50% vốn điều lệ) theo tiêu chí phân loại DNNN, do Chính phủ ban hành, đối với các DN mà Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần thì bán hết.

Nhận xét về chủ trương cho phá sản các DN làm ăn thua lỗ, ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, trong một môi trường kinh tế ổn định, DN nào yếu kém phải tự bị đào thải, còn DN tốt sẽ phát triển, điều đó phù hợp với quy luật tự nhiên. Nếu có khoảng 2 - 3% DN bị phá sản trong một môi trường tốt thì đó là bình thường. Còn trong một môi trường còn khó khăn, bất ổn, số DN phá sản thậm chí có thể lên tới 30% - 40%.

Quang Nam