Thưởng trà vốn là văn hoá độc đáo của mỗi người dân Việt Nam, nó thể hiện sự mộc mạc, chân thành, bình đẳng giữa các tầng lớp, từ những người công việc cao sang cho đến những người nông dân.

Văn hoá uống trà xuất hiện trong mỗi dịp lễ của người Việt, từ lễ tết hay hiếu hỉ, hầu hết các gia đình người Việt đều uống trà, mời trà để thể hiện lòng kính khách.

Cây chè được chọn là một trong 5 cây trồng chủ lực của tỉnh Tuyên Quang. Toàn tỉnh Tuyên Quang có 8.588 ha chè, sản lượng trên 71.700 tấn/năm. Bên cạnh những giống chè truyền thống, tỉnh đã đưa vào trồng nhiều giống chè đặc sản có chất lượng và giá trị kinh tế cao như Kim Tuyên, Ngọc Thúy, Phúc Vân Tiên, phát triển các vùng chè cổ như chè shan tuyết.

Đặc biệt, do sự khác biệt về thổ nhưỡng, khí hậu, nên tại mỗi vùng trồng chè tại các khu vực khác nhau sẽ tạo nên những búp chè mang hương vị đặc trưng riêng biệt.

Trên toàn tỉnh Tuyên Quang hiện có hơn 8000 ha chè
Trên toàn tỉnh Tuyên Quang hiện có hơn 8000 ha chè

Tính đến nay, diện tích chè lai, chè đặc sản chiếm trên 60% tổng diện tích. Trên địa bàn toàn tỉnh Tuyên Quang, đã xuất hiện những làng chè thơm ngon có tiếng như chè Kim Tuyên, Ngọc Thúy của HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh (xã Phú Lâm, huyện Yên Sơn)…

Nhằm khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh phát triển của cây chè, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tuyên Quang tham mưu Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh ban hành các chủ trương, chính sách để tập trung khai thác mọi nguồn lực có hiệu quả, bền vững về tiềm năng và lợi thế của chè Tuyên Quang.

Trên cơ sở phát triển đồng bộ sản xuất, chế biến, thị trường tiêu thụ chè gắn với việc áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, sản phẩm đa dạng, an toàn và chất lượng cao; từ đó, từng bước đưa sản phẩm chè Tuyên Quang thành sản phẩm có thương hiệu, vị thế trên thị trường trong nước và trên thế giới.

Anh Nguyễn Công Sử, Giám đốc HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh cho biết, nghề chè đến với anh như một cơ duyên trong những năm 2003 - 2004. Đến năm 2005, anh bắt đầu trồng những giống chè mới thay cho các giống chè trước đây, sau dần chuyển qua các giống chè đặc sản như giống chè ngọc thuý. Đến năm 2009, anh bắt đầu xây dựng và phát triển nhãn hiệu hàng hoá.

Anh Nguyễn Công Sử, Giám đốc HTX dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh
Anh Nguyễn Công Sử, Giám đốc HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh

Đặc sản chè Ngọc Thúy có nguồn gốc từ Đài Loan, mang hương vị thơm ngon, vị tựa như trà ô long nên sau khi đưa ra thị trường nhận được sự quan tâm đông đảo của khách hàng trong và ngoài tỉnh. Tuy giống với trà ô long, nhưng tại HTX chè Sử Anh, giống chè này được sản xuất theo hướng trà mạn. Đây cũng là điểm độc đáo, riêng biệt của HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh .

Giống chè sản xuất từ Đài Loan này mang lại nhiều công dụng cho người sử dụng như giảm stress, tăng cường sức đề kháng, chống cảm mạo, giảm nguy cơ mắc bệnh xơ cứng động mạch, tiểu đường...

Chè Ngọc Thuý của HTX chè Sử Anh
Chè Ngọc Thuý của HTX chè Sử Anh

“Tuy không học chuyên về lĩnh vực nông nghiệp, nhưng trong quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu tôi học hỏi dần dần và đúc kết kinh nghiệm. May mắn và thuận lợi bởi vì có được lợi thế là chè khi trồng tại Tuyên Quang rất phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu nơi đây", anh Nguyễn Công Sử nói.

Không chỉ đặc biệt ở giống chè Ngọc Thuý, HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh  còn có sản phẩm chè cấp đông với thời gian bảo quản lên tới 3 năm, mà vẫn giữ được 80% hương sự nguyên bản và hương vị tươi ngon của búp chè tươi. Sản phẩm này vinh dự nhận được giải nhì sáng kiến khoa học của tỉnh Tuyên Quang (2021); được tôn vinh sáng kiến khoa học trong sản phẩm chè (2022).

Từ 15 ha khởi đầu, hiện tại HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh  đã mở rộng vùng liên kết với bà con mở rộng diện tích lên tới 60 ha.

Tuy nhiên, khó khăn ở đây là do cùng nguyên liệu không tập trung, do đó dẫn tới việc vận chuyển chè tươi đến khu vực sản xuất gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, ở mỗi khu vực, HTX đều có một cơ sở nhỏ, mang quy mô gia đình, tại đây chè được làm thủ công và sơ chế tại chỗ, nhằm không ảnh hưởng đến chất lượng và hương vị của sản phẩm. Sau khi hoàn tất, chè được vận chuyển về nơi bán sản phẩm.

Vào thời điểm trước dịch Covid-19, sản lượng chè trong năm của HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh dao động khoảng 10 - 20 tấn; sau dịch, sản lượng từ 5 - 8 tấn. Đặc biệt, từ khi có Chương trình OCOP ("Mỗi xã một sản phẩm"), các cơ sở sản xuất chè trong và ngoài địa bàn tỉnh mọc lên nhiều, dẫn tới sự cạnh tranh gay gắt trong lĩnh vực chè.

Trong thời gian qua, nhờ sự nỗ lực và phát triển không ngừng HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh đã vinh dự nhận được các thành tích tiêu biểu như Bằng khen của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về thành tích liên quan đến thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia, tích cực tham gia vào chương trình sản phẩm OCOP (2021); Bằng khen của Trung ương Hội Nông dân (2022); và nhiều bằng khen của tỉnh về chè, về hàng Việt nam chất lượng cao…

Trong tương lai, để duy trì và phát triển, HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh dần dần chuyển hướng qua xuất khẩu tại thị trường ở Nga và các khu vực khác. Tuy nhiên, việc thực hiện xuất khẩu còn chứa đựng rất nhiều khó khăn như vấn đề về việc nghiên cứu đặc trưng của thị trường đó, vấn đề hàng rào vệ sinh an toàn thực phẩm…

So với các sản phẩm chè nổi tiếng ở Thái Nguyên, Hà Giang hay Lâm Đồng, thương hiệu chè của Tuyên Quang còn khiêm tốn. Thế nhưng, về chất lượng, chè Tuyên không hề thua kém so những sản phẩm chè nêu trên.

Sản phẩm chè Tuyên, khi đưa ra thị trường, không chỉ người tiêu dùng ngoài Bắc, mà cả người tiêu dùng miền miền Trung, niềm Nam đón nhận.

Nổi bật nhất là năm 2019, sản phẩm chè shan tuyết của HTX Sơn Trà, xã Hồng Thái, vinh dự được Thủ tướng Chính phủ làm quà tặng Thủ tướng Malaysia...

Thùy Linh - Kim Khánh