Sau gần 5 năm triển khai chương trình OCOP ("Mỗi xã một sản phẩm") đã tạo được sự lan tỏa và phát triển mạnh mẽ ở tất cả 63/63 tỉnh, thành phố; đồng thời, khẳng định sự phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp của Việt Nam. Nhiều địa phương đã ban hành chính sách riêng để hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP.
Kết quả, đã có 9.852 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Trong đó, 66,9% sản phẩm 3 sao, 32,2% sản phẩm 4 sao, 0,6% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 20 sản phẩm 5 sao. Bên cạnh đó, có 5.069 chủ thể OCOP; trong đó 38,5% là hợp tác xã, 24,4% là doanh nghiệp, 34,1% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác.
Phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong xây dựng nông thôn mới (NTM) và thực hiện Chương trình OCOP. Với những hoạt động như: Vận động tuyên truyền thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng NTM; phát triển sản phẩm OCOP, bảo tồn làng nghề, văn hóa truyền thống; trực tiếp lao động, sản xuất và tham gia sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP; lãnh đạo, quản lý hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm OCOP; tạo việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống của phụ nữ và lao động nông thôn...
Theo ông Phương Đình Anh, Phó chánh Văn phòng Điều phối Trung ương Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khẳng định: Hơn 12 năm qua, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện và mang tính lịch sử. Kết quả đó, có sự tham gia tích cực của các cấp hội và phụ nữ cả nước.
Lực lượng phụ nữ có đóng góp quan trọng vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Tỷ lệ chủ thể OCOP là nữ chiếm khoảng 40%. Phụ nữ tích cực truyền tải và phát huy các giá trị văn hóa, tài nguyên bản địa trong phát triển kinh tế; vai trò chủ chốt truyền cảm hứng cho sự sáng tạo và phát triển sản phẩm OCOP ở địa phương...
PV