Tiếp tục khẳng định vị trí đầu tàu trong việc triển khai Chương trình OCOP

Hà Nội dẫn đầu cả nước về triển khai Chương trình OCOP
Hà Nội dẫn đầu cả nước về triển khai Chương trình OCOP

Tính tới thời điểm hiện tại, Hà Nội đã có hơn 85 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn gần 30 quận, huyện, thị xã; qua đó quảng bá, giới thiệu, đưa sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng, đưa du khách đến với Thủ đô.

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trong thời gian qua đã có sự lan tỏa mạnh mẽ, đặc biệt thông qua công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP đã góp phần đưa sản phẩm này vào nhiều hơn các hệ thống phân phối, qua đó tạo đầu ra ổn định và nâng cao đời sống, thu nhập của người dân.

Trong năm 2022, thành phố công nhận 518 sản phẩm (1 sản phầm tiềm năng 5 sao, 271 sản phẩm 4 sao, 246 sản phẩm 3 sao), vượt chỉ tiêu kế hoạch 118 sản phẩm (mỗi năm có 400 sản phẩm).

Là một trong những địa phương đi đầu thành phố về số lượng sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng, Phó chủ tịch UBND dân huyện Thường Tín, Bùi Công Thản cho hay, trong triển khai thực hiện OCOP, nhằm nâng cao giá trị sản xuất và tạo thương hiệu cho sản phẩm, huyện Thường Tín có 152 sản phẩm được đánh giá, phân hạng và hàng trăm sản phẩm tiềm năng OCOP, đang xây dựng OCOP….

Ngoài ra, huyện Đông Anh là huyện đầu tiên của Hà Nội tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện. Với bước đi, cách làm bài bản, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền và nhân dân trong huyện, Đông Anh đã được thành phố đánh giá cao trong công tác tổ chức.

Số liệu trên đã lần nữa khẳng định, Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng sản phẩm OCOP (đạt từ 3 sao trở lên) và cũng là địa phương có số sản phẩm đạt tiêu chuẩn 5 sao cũng nhiều nhất.

Tận dụng nền tảng số trong phát triển sản phẩm địa phương

Dẫn đầu cả nước về số lượng sản phẩm OCOP. Không chỉ dừng lại ở việc nâng cao chất lượng và số lượng, thành phố còn không ngừng tìm kiếm các cơ hội để mở rộng đầu ra cho những sản phẩm đặc trưng.

Hà Nội tận dụng nền tảng công nghệ số trong phát triển sản phẩm OCOP
Hà Nội tận dụng nền tảng công nghệ số trong phát triển sản phẩm OCOP

Những thành tựu mà Hà Nội đạt được và đang làm là cả một quá trình dài nỗ lực, phấn đấu từ năm 2018 đến nay và cả thời gian tới. Nếu như trong thời gian từ 2018-2022, thành phố tập trung phát triển số lượng, nâng chất, phân hạng sản phẩm thì trong định hướng từ 2022-2025, thành phố sẽ đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng đầu ra cho các sản phẩm đặc trưng, từ đó mang lại những giá trị thiết thực cho người làm ra sản phẩm.

Nhằm quảng bá sản phẩm OCOP tới đông đảo người dân trong nước và quốc tế, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá, kết nối như mở các điểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP; xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP thông qua các sự kiện, hội chợ, hội thảo kết nối giao thương, kênh thương mại điện tử… Những cách làm này đã và đang giúp cho sản phẩm OCOP tỏa sáng và vươn xa hơn.

Nhằm tận dụng nền tảng công nghệ số trong việc xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP, Hà Nội đã lên kế hoạch tập huấn kỹ năng bán hàng trên các nền tảng số cho các các chủ thể, tổ chức các chương trình quảng bá, giao thương trên nền tảng số. Một trong những sự kiện thu hút được sự tham gia của các chủ thể là “Chợ đêm trên mây” vào tối thứ 6 hằng tuần trên nền tảng Facebook.

Ngoài ra, sự kiện “Ngày hội livestream đặc sản OCOP Hà Nội”, Diễn đàn trực tuyến “Kết nối cung cầu sản phẩm OCOP và nông sản, thực phẩm an toàn”, việc Hà Nội hợp tác với TikTok, những người có tầm ảnh hưởng trên nền tảng mạng xã hội hỗ trợ các chủ thể bán hàng qua các nền tảng trực tuyến bài bản.

Theo đánh giá, bán hàng bằng công nghệ số có một nhược điểm đó là thông tin không được cân xứng giữa người mua và người bán. Chỉ có hình thức livestream là phần nào khắc phục được vấn đề này. Hoặc sự xuất hiên của những đơn hàng ảo cũng gây khó khăn và thiệt hại cho người bán hàng.

Tuy nhiên, khi thực hiện các chương trình, sự kiện bán hàng trực tuyến nhưng có sự tham gia của các ban ngành địa phương, sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước như UBND Thành phố Hà Nội, Văn phòng Điều phối Chương trình Nông thôn mới Trung ương, Liên minh HTX thành phố đã giúp giám sát việc mua bán của các bên đồng thời tăng độ tin cậy của hình thức mua, bán trực tuyến.

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất tiêu thụ sản phẩm OCOP về phía Hà Nội, dự kiến trong năm nay, sẽ phát triển tối thiểu 30 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn, xây dựng 5 Trung tâm thiết kế, sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với phát triển du lịch tại các huyện Gia Lâm, Thường Tín, Phú Xuyên, Chương Mỹ, thị xã Sơn Tây.

Thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp trưng bày hàng hóa tại các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, nhiều sản phẩm OCOP đã được kết nối với các điểm giới thiệu bán sản phẩm OCOP Thành phố Hà Nội và được quảng bá trên 600 website thương mại điện tử để xuất khẩu.

Trong thời gian tới, OCOP Hà Nội định hướng phát triển gian hàng đầu tiên tại thị trường quốc tế, cụ thể là châu Âu. Công tác gắn liền phát triển các sản phẩm OCOP với việc phát triển du lịch các làng nghề cũng cần được Hà Nội đẩy mạnh và phát huy; từ đó, góp phần nâng cao, khẳng định vị trí của các sản phẩm OCOP địa phương tới bạn bè quốc tế, đem đến cho họ cái nhìn sâu hơn về quy trình sản xuất, cũng như bối cảnh làm nên thương hiệu riêng biệt.

PV (Th)