Doanh nghiệp vay nợ nước ngoài phải chịu chênh lệch tỷ giá

Tính đến phiên giao dịch ngày 21/9, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 24.079 VND/USD. So với phiên giao dịch đầu tiên trong năm 2023 (3/1), tỷ giá trung tâm đã tăng 473 đồng, tương ứng tăng 1,9%, còn nếu so với mức thấp nhất trong năm (được thiết lập ngày 15/4 - 23.588 VND/USD), tỷ giá trung tâm đã tăng tới 2%.

Trao đổi với báo chí, TS Nguyễn Hữu Huân - Trưởng bộ môn Tài chính (Trường Đại học Kinh tế TP. HCM) cho biết, hiện có 2 yếu tố chủ đạo làm tỷ giá VND/USD gia tăng. Trước hết là áp lực mùa vụ, theo đó, tỷ giá thường tăng vào tháng 8 và 9, khi nhu cầu mua ngoại tệ giao ngay tăng do nhu cầu thanh toán nhập khẩu, trả nợ vay nước ngoài và các nhu cầu hợp pháp khác.

Tỷ giá tăng sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu thu thêm ngoại tệ (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, áp lực còn đến từ xu hướng dòng tiền. Khi chênh lệch lãi suất thấp, nhà đầu tư nước ngoài sẽ cân nhắc việc đầu tư vào Việt Nam, khoản lợi nhuận có đủ bù đắp chênh lệch tỷ giá. Trong bối cảnh tỷ giá tăng, nhà đầu tư ngoại thích rót vốn vào các nước phát triển hơn. Điều này làm dòng vốn dịch chuyển, khiến cán cân tài khoản vốn âm, vượt qua cán cân tài khoản vãng lai, gây áp lực lên tỷ giá.

Theo ông Võ Văn Phục - Tổng giám đốc Công ty Thủy sản sạch Việt Nam, với nền kinh tế có độ mở 200% (kim ngạch xuất nhập khẩu gấp 2 GDP), việc tỷ giá tăng sẽ ngay lập tức tác động đến hoạt động thương mại của doanh nghiệp. Theo đó, với các doanh nghiệp xuất khẩu, tự chủ được nguyên liệu trong nước như nông sản, thủy sản… sẽ có lợi bởi có thêm nguồn thu ngoại tệ.

Theo ông Phục, trước đây doanh nghiệp xuất khẩu có đơn hàng trị giá 5 triệu USD, nay nhờ chênh lệch tỷ giá, thu tiền về sau khi trừ chi phí, doanh nghiệp có thể dôi thêm khoảng 2 tỷ đồng.

"Số tiền này giúp doanh nghiệp có thêm nguồn quỹ chi trả lương cho công nhân và duy trì hoạt động trong bối cảnh khó khăn. Tuy vậy, ở chiều tác động tỷ giá tăng khiến hàng xuất khẩu của Việt Nam trở nên đắt hơn ở thị trường châu Âu, Mỹ, khó cạnh tranh so với các nước đối thủ", ông Phục cho hay.

Trong khi đó, với những doanh nghiệp nhập khẩu, tỷ giá tăng sẽ khiến chi phí nguyên liệu đầu vào tăng theo. Chẳng hạn với phân bón, các doanh nghiệp nhập khẩu phải chi thêm khoản tiền chênh lệch tỷ giá khiến giá vốn sẽ bị đẩy lên cao và buộc doanh nghiệp phải tăng giá bán phân bón trong nước.

PGS. TS. Phan Thị Thu Hà - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, thông thường khi tỷ giá tăng, chi phí của những hàng hóa nhập khẩu sẽ tăng lên, từ đó khiến nhiều mặt hàng, dịch vụ bị ảnh hưởng và tác động đến tình hình lạm phát ở trong nước.

Tỷ giá tăng còn khiến chi phí du lịch của khách nước ngoài vào Việt Nam đắt đỏ hơn, làm giảm sức cạnh tranh. Cùng với đó, những doanh nghiệp vay nợ nước ngoài bằng đồng USD lớn và nợ công (vay nước ngoài) sẽ phải chi thêm khoản tiền từ việc chênh lệch tỷ giá. "Việc này gây áp lực cho doanh nghiệp và tác động đến cân đối thu chi ngân sách", bà Hà nói.

Tỷ giá tăng chỉ là câu chuyện ngắn hạn

Trước biến động của tỷ giá, TS. Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, cần theo dõi sát diễn biến trên thị trường thời gian tới. Song vấn đề tỷ giá tăng chỉ là câu chuyện ngắn hạn, không quá quan ngại bởi năm nay có nhiều yếu tố thuận lợi hơn năm ngoái.

Theo vị chuyên gia này, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều giải pháp, điều hành tỷ giá linh hoạt. Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã mua lượng lớn ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối, trên 6 tỷ USD. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước hủy thực hiện bán ngoại tệ theo các giao dịch kỳ hạn cho các tổ chức tín dụng với tổng giá trị lên đến 2,24 tỷ USD.

Tỷ giá tăng sẽ khiến một số mặt hàng có yếu tố nhập khẩu tăng giá bán.
Tỷ giá tăng sẽ khiến một số mặt hàng có yếu tố nhập khẩu tăng giá bán

"Hiện lạm phát của Việt Nam vẫn nằm trong tầm kiểm soát và hạ lãi suất là việc buộc phải làm sau giai đoạn tăng cao, tức nới lỏng tiền tệ sau giai đoạn thắt chặt quá mức. Việt Nam mới đang trong giai đoạn giảm thắt chặt, chứ không hẳn là nới lỏng tiền tệ vì vậy việc điều chỉnh tỷ giá tạo dư địa cho Ngân hàng Nhà nước hạ mặt bằng lãi suất để hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân", ông Nghĩa cho hay.

Còn theo PGS. TS. Phan Thị Thu Hà, với tỷ giá VNĐ/USD dao động ở mức vừa phải (<3%) như hiện nay, không phải đáng lo ngại. Điều này, ít có khả năng khiến cho dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy mạnh ra khỏi Việt Nam. Cùng với đó, tính đến hết tháng 8, cán cân thương mại của Việt Nam thặng dư hơn 20 tỷ USD, gấp 4 lần năm ngoái nên áp lực về tỷ giá sẽ không lớn như năm 2022.

Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, từ giữa tháng 11/2022, áp lực thị trường tài chính quốc tế giảm bớt. Trong 6 tháng đầu năm nay, tỷ giá giao dịch USD/VND trên thị trường có xu hướng giảm. Tuy nhiên, từ giữa tháng 6, khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ và duy trì lãi suất ở mức cao trong khi lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước và lãi suất thị trường trong nước giảm, tạo áp lực khiến tỷ giá USD/VND trong nước có dấu hiệu tăng trở lại.

Vị này khẳng định, cung cầu ngoại tệ hiện nay thuận lợi, dòng vốn tiếp tục chảy vào nền kinh tế cũng như các biện pháp điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá linh hoạt của cơ quan này là những yếu tố hỗ trợ sự ổn định của thị trường ngoại tệ.

“Từ nay đến cuối năm, Ngân hàng Nhà nước sẽ bám sát diễn biến thực tế để vừa kiểm soát lạm phát, vừa cân đối với mục tiêu giảm lãi suất của Chính phủ và Thủ tướng. Đồng thời, ngân hàng điều hành tỷ giá phù hợp với điều kiện thị trường, phối hợp đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại tệ và ngoại hối, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô”, đại diện Ngân hàng Nhà nước nói.

Đối với biến động giá vàng những ngày gần đây, ông Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính đánh giá, về xu hướng, vàng trong nước sẽ bám sát với giá vàng thế giới.

Khả năng giá vàng có thể tăng tiếp nhưng rủi ro cao bởi nó có thể giảm "bất thình lình". Chính vì vậy, người dân nếu muốn đầu tư vàng, thì không nên "bỏ hết trứng vào một giỏ" chỉ dùng tiền nhàn rỗi để đầu tư.

Phương Thảo(T/h)