Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

'Chỉ cần người có sức khỏe để đi vá đường cho người ta đừng té là vui rồi'

Dù phải ở nhà trọ, mưu sinh bằng nghề bán vé số nhưng ông Nguyễn Hồng Dân (SN 1968, ngụ khu vực I, phường Trà Nóc, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) vẫn dành số tiền ít ỏi kiếm được hàng ngày để mua vật liệu và bỏ công vá lại những đoạn đường hư hỏng trong suốt nhiều năm qua.

Mọi người quen gọi ông với cái tên thân thương là ông Ba Dân, hàng ngày ông Ba Dân rong ruổi khắp các nẻo đường để bán từng tờ vé số mưu sinh. Những lần như thế, ông lại tận mắt chứng kiến không ít người bị vấp phải "ổ voi", "ổ gà" dẫn đến té ngã, bị thương. Cầm lòng không đậu, ông liền xuống xe đạp và vội tìm đất đá, xà bần bên vệ đường để vá tạm. Cứ thế, cái nghiệp vá đường đã "vướng" vào người đàn ông tật nguyền này lúc nào không biết.'Chỉ cần người có sức khỏe để đi vá đường cho người ta đừng té là vui rồi' - Hình 1

Ông là Nguyễn Hồng Dân (tên thường gọi là Ba Dân), năm nay 51 tuổi, ở trọ tại khu vực 1, phường Trà Nóc, quận Bình Thủy (ảnh Song Anh/NLDO)

Có những buổi trưa trời nắng như đổ lửa, khi mọi người bắt đầu nghỉ ngơi,  người ta lại thấy một người đàn ông trạc tuổi 50 có thân thể không bình thường, một chân của ông bị teo, nhỏ hơn so với chân còn lại nên bước đi khập khiễng, di chuyển khá khó khăn đang cặm cụi trộn cát, đá, xi măng vá những ổ voi, ổ gà trên đường.

Người dân địa phương cho biết, ông Ba Dân kiếm sống bằng nghề bán vé số, và ngoài thời gian đi bán vé số, thì người ta lại thấy ông dong duổi với chiếc xe ba gác chở đầy đầy xi măng, cát, đá... đi vá những ổ voi, ổ gà trên các tuyến đường. Ông làm công việc này bất kể nắng mưa, chỉ sợ người đi đường vấp ổ gà, ổ voi nên ông tự nguyện mua vật liệu về dặm vá lại để người đi đường an toàn.

'Chỉ cần người có sức khỏe để đi vá đường cho người ta đừng té là vui rồi' - Hình 2

'Chỉ cần người có sức khỏe để đi vá đường cho người ta đừng té là vui rồi' - Hình 3

Ông tự bỏ tiền túi ra sắm xe và mua vật liệu để vá đường (ảnh Song Anh/NLDO)

Khi thấy ông vừa hoàn thành vá xong một ổ gà khá lớn, chúng tôi tiếp cận và hỏi về công việc mà ông đang làm. Ông Ba Dân vui vẻ cho biết mình bắt đầu công việc “vá đường” cách đây khoảng 4 năm, khi đó ông còn sống ở Rạch Giá, Kiên Giang.

 “Lúc đó, tôi cũng đi bán vé số. Hàng ngày đi qua các tuyến đường, tôi thường xuyên chứng kiến nhiều trường hợp người tham gia giao thông bị tai nạn vì ổ gà, ổ voi trên đường. Một lần, khi đẩy xe đi bán qua tuyến đường Lâm Quang Ky, tận mắt thấy một nam thanh niên điều khiển phương tiện vấp phải ổ gà ngã chấn thương cổ rất nặng. Từ đó, tôi nảy sinh ý định vá đường. Lúc đầu, thấy tôi tật nguyền ngồi giữa đường tô tô, trét trét, không ít người xì xầm. Thậm chí khi biết tôi tự bỏ tiền túi ra vá đường, nhiều người cho rằng tôi bị khùng, bị điên...”, ông Ba Dân bộc bạch.

Ông Ba Dân kể tiếp, trước đây phương tiện chính để đi dặm vá chỉ là chiếc xe đạp cũ kỹ, cà tàng hàng ngày ông vẫn sử dụng để đi bán vé số. Khi đi vá đường, ông gắn thêm một số dụng cụ để dựng cát, đá, xi măng và đồ nghề. Gần đây, khi về sinh sống tại quận Bình Thủy, TP Cần Thơ, công việc vá đường cũng ít, nên ông đã dành dụm được chút ít để mua chiếc xe ba gác cũ phục vụ cho công việc vá đường hàng ngày. “Có chiếc xe ba gác, công việc của tôi cũng dễ dàng hơn trước vì xe này chở được nhiều vật tư và cũng thuận tiện cho việc di chuyển”, ông Ba Dân nói.

'Chỉ cần người có sức khỏe để đi vá đường cho người ta đừng té là vui rồi' - Hình 4

'Chỉ cần người có sức khỏe để đi vá đường cho người ta đừng té là vui rồi' - Hình 5

Dù tật nguyền nhưng ông vá đường "chuyên nghiệp" không thua gì dân cầu đường (ảnh Song Anh/NLDO)

Ông Ba tâm sự, trước đây 2 vợ chồng sống ở quận Bình Thủy, sau đó cả hai khăn gói lên Bình Dương một thời gian, vài năm sau hai vợ chồng lại về Rạch Giá. Tuy nhiên, cũng chỉ sống ở Rạch Giá được khoảng 2 năm thì hai vợ chồng lại quay về Bình Thủy, đến nay cũng đã hơn 2 năm. Con cái đã trưởng thành và ra ở riêng hết, hai vợ chồng thuê phòng trọ nhỏ, hàng ngày tôi là bán vé số, còn vợ tôi mở một tiệm tạp hóa nhỏ để bán cho sinh viên và công nhân, thu nhập cũng tạm ổn.

Tiền kiếm được từ công việc bán vé số không nhiều, có hôm ế ẩm nhưng mỗi khi có tiền lời là tôi lại dành chút ít để dành cho  việc mua nguyên vật liệu vá đường. “Trước đây, có một mình, ít tiền nên 1 tháng tôi đi bán 20 ngày còn 10 ngày đi vá đường, nay có mấy anh em quen, họ cũng đóng góp thêm, nhiều người đã góp công giúp tôi trộn hồ, còn có một chủ tiệm vật liệu xây dựng tài trợ miễn phí đá nên giờ mỗi tháng tôi chỉ đi bán vé số 10 ngày, còn 20 ngày tôi đi vá đường”, ông Ba Dân vui vẻ cho biết.

Hỏi ra mới biết, trước đó ông Ba Dân chưa từng làm thợ hồ hay thợ cầu đường ngày nào, chỉ thấy người ta làm rồi bắt chước trộn cát, đá, xi măng làm theo. Hơn một năm qua, chỉ tính riêng ở địa bàn quận Bình Thủy, người đàn ông tật nguyền này đã vá hàng trăm "ổ voi", "ổ gà".

Còn vợ ông, bà Ngô Thị Phường (50 tuổi) nhớ lại: "Hồi tôi tuổi đôi mươi, thấy ông ấy tật nguyền mà đến nhà xin cưới nên cha mẹ tôi lắc đầu, không chịu. Dần dần, thấy ổng chịu khó làm ăn, hiền lành, không nhậu nhẹt nên cha mẹ tôi đồng ý cho 2 đứa đến với nhau". Thấy ông ấy làm được việc phước tôi cũng mừng, không chỉ ủng hộ về tinh thần, nhiều khi thiếu tiền tôi cũng đưa thêm tiền cho ổng có tiền đi vá…

'Chỉ cần người có sức khỏe để đi vá đường cho người ta đừng té là vui rồi' - Hình 6

Nụ cười hồn hậu của ông Ba Dân

Khi được hỏi vá đường miễn phí đến khi nào thì dừng hẳn để lo cho tuổi già, ông Ba Dân bảo: "Tôi cảm thấy rất vui mỗi khi vá được một "ổ voi", "ổ gà" nào đó. Chỉ mong sức khỏe luôn mạnh giỏi để vững vàng đi vá đường. Đấy là nguyện vọng duy nhất của tôi".

'Chỉ cần người có sức khỏe để đi vá đường cho người ta đừng té là vui rồi' - Hình 7

Đôi vợ chồng già luôn hạnh phúc bên nhau (ảnh Song Anh/NLDO)

Mới đây, Ủy ban Giải thưởng KOVA vừa công bố các hạng mục của mùa giải năm 2018. Ông Nguyễn Hồng Dân - một người đàn ông khuyết tật, bán vé số lấy tiền vá đường ở Cần Thơ được chọn trao giải ở hạng mục “Sống đẹp”.

Giải thưởng Kova là giải thưởng uy tín, được công bố hằng năm, do Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình và Chủ tịch Tập đoàn KOVA sáng lập vào năm 2002. Từ năm 2012, giải thưởng KOVA do nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan làm Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng. Dự kiến lễ trao giải thưởng KOVA lần thứ 16 năm 2018 sẽ diễn ra vào ngày 24-11 tại Hà Nội.

Trong quá trình trò chuyện, ông Ba Dân khoe, Ủy ban Giải thưởng Kova vừa công bố kết quả giải thưởng lần thứ 16/2018, trong số các cá nhân nhận giải lần này, ông được chọn trao giải ở hạng mục “Sống đẹp” dành cho những việc làm tốt đẹp, lan tỏa tính nhân văn trong cộng đồng.

“Tôi nghe nói, giải thưởng này được tới 20 triệu đồng. Như vậy, tôi lại có thêm tiền để đi vá đường rồi”, ông Ba Dân vui vẻ nói.

Ông Nguyễn Hùng Việt, Bí thư Đảng ủy phường Trà Nóc cho biết thêm, thấy ông Ba tật nguyền nhưng lại thường xuyên đi vá đường, lấp ổ gà, địa phương cũng ngỏ ý công việc này các cơ quan chức năng cũng đã làm, ông nên nghỉ cho khoẻ. Tuy nhiên, ông Ba nói rằng, việc vá đường là niềm vui của mình nên không thể nghỉ được. “Mới đây, khi biết ông được trao giải thưởng Kova, việc đi lại khó khăn, không thể ra Hà Nội nhận giải, địa phương cũng đã làm văn bản đề nghị Ban tổ chức chuyển giải thưởng về, địa phương sẽ tổ chức lễ trao cho ông”, ông Việt nói.

Đại diện chính quyền phường Trà Nóc cũng cho biết: Ông Ba Dân về phường Trà Nóc sinh sống đã hơn 2 năm. Mặc dù bị khuyết tật, phải thuê trọ, cuộc sống còn khó khăn nhưng ông có nghĩa cử hết sức cao đẹp, hành động với tinh thần vì cộng đồng, giúp bà con đi lại dễ dàng, hạn chế tai nạn. Ông Ba Dân là một tấm gương điển hình về công tác xã hội ở địa phương. Để hỗ trợ ông, chúng tôi cũng vận động các cơ sở bán vật liệu xây dựng bán rẻ hoặc hỗ trợ vật tư để ông vá đường.

Hải Nam

Bài liên quan

Tin mới

Nỗi kinh hoàng của ngộ độc chì từ thuốc nam không rõ nguồn gốc
Nỗi kinh hoàng của ngộ độc chì từ thuốc nam không rõ nguồn gốc

Vừa có thêm một em bé 3 tuổi ở Thanh Hóa bị ngộ độc chì nặng, tiên lượng xấu, do cha mẹ cho trẻ dùng thuốc nam không rõ nguồn gốc để chữa bệnh động kinh.

Livestream bán hàng: Thêm “lối ra” cho nông sản
Livestream bán hàng: Thêm “lối ra” cho nông sản

Thời điểm này, một số địa phương đã lên kế hoạch tiêu thụ nông sản trước khi vụ thu hoạch chính thức bắt đầu. Tìm đầu ra ổn định cho nông sản luôn là bài toán khó với không ít địa phương và bán hàng theo phương thức livestream là một trong những “lối ra” đầy tiềm năng cho việc tiêu thụ nông sản Việt.

Chuyên gia lý giải nguyên nhân nhiều cơn mưa đá trắng trời những ngày qua
Chuyên gia lý giải nguyên nhân nhiều cơn mưa đá trắng trời những ngày qua

Mặc dù cơn dông chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn, nhưng thường đi kèm các hiện tượng thời tiết cực đoan như gió giật mạnh, mưa rất lớn, sấm sét dữ dội, kèm theo mưa đá tàn phá hoa màu, tài sản của người dân. Vì sao lại như vậy, các chuyên gia lý giải như thế nào?

Giá quặng sắt tăng mạnh do lo ngại nguồn cung siết chặt
Giá quặng sắt tăng mạnh do lo ngại nguồn cung siết chặt

Thị trường kim loại diễn biến trái chiều, 2 mặt hàng kim loại quý đồng loạt suy yếu nhẹ. Trong khi đó, các mặt hàng kim loại cơ bản đón nhận lực mua tích cực.

Không quyết toán thuế thu nhập cá nhân đúng hạn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính bao nhiêu tiền?
Không quyết toán thuế thu nhập cá nhân đúng hạn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính bao nhiêu tiền?

Không nộp hồ sơ khai thuế hoặc nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày, kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế sẽ bị xử phạt từ 1 đến 3 lần số tiền thuế trốn.

Xe điện EV3 của Kia sắp trình làng
Xe điện EV3 của Kia sắp trình làng

Thiết kế của EV3 lấy cảm hứng từ đàn anh EV9, nhưng kích cỡ nhỏ gọn hơn nhiều.