THCL Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tại cuộc họp Ban Chỉ đạo về các giải pháp ổn định đời sống và sản xuất, kinh doanh cho nhân dân 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường.

Chỉ đạo của PTT Trương Hòa Bình sau sự cố môi trường tại 4 tỉnh miền Trung - Hình 1

Đẩy nhanh hơn nữa công tác bồi thường thiệt hại sự cố môi trường biển

Thông báo kết luận nêu rõ, mặc dù bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố khách quan như bão, lũ xảy ra, tính chất công việc phức tạp, khối lượng lớn, nhưng trong thời gian qua, các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan đã tích cực, chủ động triển khai các nhiệm vụ được giao và đã đạt được nhiều kết quả tốt. Đến nay, một số tỉnh đã bước đầu tiến hành chi trả tiền bồi thường thiệt hại cho người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố.

Để đảm bảo trong thời gian tới công tác bồi thường thiệt hại được đẩy nhanh hơn nữa, đảm bảo chắc chắn, công khai, minh bạch, phấn đấu hoàn thành trong năm 2016, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu các bộ, ngành, địa phương liên quan tập trung triển khai các nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ đã giao tại các văn bản liên quan, đặc biệt là các nhiệm vụ giao tại Thông báo số 359/TB-VPCP ngày 04/10/2016.

Về xây dựng bổ sung định mức cho các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của Quyết định số 1880/QĐ-TTg, Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước ngày 20/11/2016 có văn bản hướng dẫn cụ thể cho các địa phương việc xác định, thống kê, kê khai thiệt hại đối với những đối tượng này.

Căn cứ hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND 04 tỉnh khẩn trương tiến hành thống kê thiệt hại của các đối tượng, gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài chính theo quy định.

Trên cơ sở số liệu báo cáo của các địa phương, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương xây dựng bổ sung định mức bồi thường và xác định tổng mức thiệt hại và kinh phí bồi thường, hỗ trợ cho từng tỉnh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Hỗ trợ giải quyết ngay lượng hàng hải sản tồn kho

Về giải quyết ngay lượng hàng hải sản tồn kho, đối với các lô hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm, Phó Thủ tướng đồng ý nguyên tắc hỗ trợ 100% giá trị lô hàng, 100% tiền điện, 100% lãi suất, chi phí tiêu hủy. UBND 4 tỉnh tiến hành tiêu hủy ngay các lô hàng này, công khai kết quả, đảm bảo hoàn thành trong tháng 11/2016. Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn các địa phương công tác tiêu hủy.

Đối với các lô hàng đảm bảo an toàn thực phẩm, Phó Thủ tướng đồng ý nguyên tắc mua, tạm trữ được hỗ trợ 30% giá trị lô hàng, hỗ trợ 100% tiền điện, 100% lãi suất. UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết, tiêu thụ những lô hàng này.

Phó Thủ tướng giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với UBND các địa phương xác định giá để làm căn cứ bồi thường, hỗ trợ đối với các trường hợp nêu trên, hoàn thành trong tháng 11/2016.

UBND các tỉnh xác định số lượng hàng được thu mua, tạm trữ trên địa bàn hiện đang tồn kho theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tiến hành kiểm tra, giám sát việc bảo quản, đảm bảo chất lượng của các lô hàng tại các kho cho đến khi được tiêu thụ.

Tiếp tục tuyên truyền rộng rãi việc môi trường biển đã an toàn

Phó Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục tuyên truyền rộng rãi về việc môi trường biển đã an toàn, hải sản khai thác tầng giữa, tầng mặt đã đảm bảo an toàn thực phẩm.

Bộ Y tế tiếp tục lấy mẫu, xét nghiệm hải sản khai thác ở tầng đáy trong vùng biển dưới 20 hải lý, xem xét công bố kết quả vào cuối tháng 12/2016.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và nhất là UBND các tỉnh liên quan, các cơ quan báo chí, thông tin đại chúng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin đến người dân, giải thích rõ để người dân hiểu các chính sách, các quy định của nhà nước về việc này, tiến tới đồng tình và ủng hộ thực hiện đúng các chính sách, quy định.

Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương lãnh đạo các cơ báo chí, truyền thông có kế hoạch tăng cường đưa tin về các chính sách, các quy định của Chính phủ, kết quả chỉ đạo, triển khai thực hiện của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương, định hướng cho người dân trước những thông tin sai lệch. Công tác truyền thông cần gắn với công tác dân vận dựa trên các nguyên tắc: đảm bảo công khai minh bạch ở cơ sở, đảm bảo người dân được thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác, có cơ sở, an ninh trật tự được đảm bảo, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo.

PV