Sáng nay (17/8), Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính (TTHC) tổ chức Công bố Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ TTHC năm 2018 (APCI 2018) dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. Đây là lần đầu tiên Báo cáo này được công bố.
Theo ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Phó Chủ tịch Hội đồng, đây là báo cáo đánh giá chi phí thực tế mà doanh nghiệp và tổ chức phải chi trả để thực hiện thủ tục hành chính theo quy định hiện hành.
Báo cáo dựa trên nền tảng là thông điệp của Chính phủ để phân tích những thành tựu cải cách TTHC của Chính phủ trong năm vừa qua và xác định dư địa cải cách 8 nhóm thủ tục hành chính quan trọng với doanh nghiệp gồm: Khởi sự doanh nghiệp/đăng ký kinh doanh; thuế; đầu tư; giấy phép, chứng chỉ hành nghề; hải quan; đất đai; môi trường; xây dựng.
Theo kết quả được công bố, chi phí tuân thủ TTHC lớn nhất là nhóm TTHC về Xây dựng. Cụ thể, doanh nghiệp phải chỉ trả mức chi phí 64,1 triệu đồng để hoàn thiện một hoặc một nhóm TTHC trong lĩnh vực này.
Hội đồng tư vấn Cải cách thủ tục hành chính cũng đã chỉ ra trong tổng số 64,1 triệu đồng mà doanh nghiệp phải chi trả để hoàn thành một TTHC về Xây dựng thì chi phí trực tiếp (chi phí mà doanh nghiệp phải chi trả bằng tiền trong suốt quá trình thực hiện TTHC để nhận được kết quả TTHC) chiếm tới 93% (gần 60 triệu đồng), Chi phí thời gian chỉ chiếm 7% (chỉ hơn 4 triệu đồng).
Trong khi đó, nhóm TTHC về thuế, doanh nghiệp chỉ phải trả mức chi phí gần 74.000 đồng để hoàn thành một TTHC. Trong đó, thời gian trung bình của doanh nghiệp cho một TTHC trong nhóm thủ tục về thuế là chỉ mất 2,9 giờ.
Kế tiếp là nhóm TTHC Khởi sự doanh nghiệp/Đăng ký kinh doanh với mức chi phí tuân thủ hơn 720.000 đồng cho một thủ tục, thời gian thực hiện được ghi nhận là 10,5 giờ làm việc của doanh nghiệp.
Báo cáo APCI nêu rõ, thời gian chuẩn bị hồ sơ đang chiếm phần lớn trong tổng số thời gian để thực hiện TTHC của doanh nghiệp. Đối với nhóm TTHC về Đầu Tư, doanh nghiệp phải bỏ ra 82% trong tống số thời gian để chuẩn bị hồ sơ TTHC; Nhóm TTHC về Giấy phép, Chứng chỉ hành nghề thì doanh nghiệp cũng phải bỏ ra số thời gian tương tự để chuẩn bị hồ sơ.
Chi phí tuân thủ các nhóm thủ tục
Theo ông Ngô Hải Phan, công tác chuẩn bị hồ sơ của doanh nghiệp rất phức tạp. Khâu chuẩn bị hồ sơ, hoàn tất chiếm 55% chi phí, là khâu chiếm chi phí lớn nhất, khâu nộp hồ sơ và trả kết quả chiếm 33%.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng - Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách TTHC cho biết, APCI là bộ chỉ số công khai minh bạch, giúp thực hiện mục tiêu xây dựng Chính phủ liêm chính, hành động - nhiệm vụ ưu tiên của Chính phủ hiện nay, hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.
Với trọng tâm là 8 nhóm TTHC có tác động nhiều tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cả nước, Báo cáo APCI 2018 được coi là dữ liệu cơ sở phục vụ việc đánh giá tính hiệu quả của các nỗ lực cải cách theo từng nhóm thủ tục hành chính và theo vùng miền, địa phương trong các năm tiếp theo. Đồng thời, đây cũng được coi là chỉ dấu cho các cơ quan nhà nước ở Trung ương tiếp tục thực hiện các phương án kiểm soát thủ tục hành chính, cắt giảm gánh nặng chi phí tuân thủ phù hợp tại các văn bản quy phạm pháp luật cũng như các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý.
Báo cáo cũng cho thấy chi phí thực hiện cùng một thủ tục có sự khác biệt giữa các địa phương. Cụ thể về thủ tục xây dựng, các tỉnh tại vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ có mức chi phí tuân thủ cao nhất, gấp gần 2,3 lần so với mức trung bình trên cả nước. Trong khi đó, mức chi phí tuân thủ tại các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chỉ tương đương 20% mặt bằng chung toàn quốc.
Khi xét đến từng địa phương cụ thể, tỉnh có mức chi phí tuân thủ lớn nhất vượt mức trung bình cả nước 4 lần và gấp địa phương có mức chi phí nhỏ nhất tới 20,5 lần.
Lý giả về chi phí tuân thủ TTHC khác nhau ở các địa phương, ông Ngô Hải Phan cho biết, chi phí tại vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ cao do thời gian chuẩn bị hồ sơ dài, cộng với chi phí trực tiếp cao, gồm cả chi phí không chính thức và chi phí tư vấn.
“Chi phí trực tiếp tại các tỉnh trọng điểm Bắc Bộ cao hơn so với các tỉnh trọng điểm phía Nam, đây là căn cứ để các địa phương chấn chỉnh, kể cả công tác cán bộ. Rồi nếu các dịch vụ tư vấn mà độc quyền thì chi phí tư vấn sẽ cao, nếu có nhiều đơn vị tư vấn thì chi phí sẽ giảm”, ông Phan phân tích và cho rằng, báo cáo sẽ tạo áp lực và cạnh tranh trong cải cách.
Theo doanh nhân Trương Gia Bình: "Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ TTHC là hồ sơ rất quý báu. Vấn đề đặt ra, không nên chỉ nhìn vào các con số, mà còn phải nắm rõ các chỉ số được thiết kế như thế nào? Làm rõ việc nơi này làm tốt mà nơi khác chưa làm tốt? Là do con người hay do điều kiện vật chất, do lãnh đạo không quan tâm...? Từ đó, có cách thức để kéo giảm chi phí thời gian và tiền bạc cho doanh nghiệp”.
Hoan Nguyễn