Sáng 29/8, Tổng cục Thống kê cho biết, CPI tháng 8 tăng so với tháng 7 chủ yếu do ảnh hưởng của cơn bão số 2 và mưa trên diện rộng làm giá rau tăng; giá gạo trong nước tăng do giá gạo xuất khẩu của Việt Nam thuận lợi đạt ở mức cao trong nhiều năm trở lại đây; giá dịch vụ giáo dục được điều chỉnh tăng ở một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ.

Theo đó, CPI bình quân 8 tháng năm 2020 tăng 3,96% so với cùng kỳ năm 2019.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Trong mức tăng 0,07% của CPI tháng 8, có 7/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, trong đó nhóm giáo dục tăng nhiều nhất với 0,18%. Sau đó đến nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống; nhóm giao thông; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng; nhóm đồ uống và thuốc lá; nhóm thuốc và dịch vụ y tế; nhóm hàng hóa, dịch vụ khác.

Các nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm gồm: nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,2%; nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,05%; nhóm may mặc, mũ nón và giày dép giảm 0,03%.

CPI tháng 8 giảm 0,12% so với tháng 12/2019 và tăng 3,18% so với cùng kỳ năm trước; CPI bình quân 8 tháng năm 2020 tăng 3,96% so với bình quân cùng kỳ năm 2019.

Bên cạnh các nguyên nhân làm tăng CPI, có một số nguyên nhân kiềm chế CPI tháng 8/2020 như ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid-19 lần 2 vào Việt Nam, nhu cầu đi lại, du lịch, lễ hội, ăn uống ngoài gia đình của người dân giảm nên giá ăn uống ngoài gia đình giảm 0,03%, giá vé tàu hỏa giảm 0,6%, du lịch trọn gói giảm 0,49% so với tháng trước...

Chỉ số giá vàng tháng 8 tăng 9,86% so với tháng 7; tăng 32,81% so với tháng 12/2019 và tăng 35,02% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số giá USD giảm 0,07%. Chỉ số đồng đô la Mỹ so với các đồng tiền chủ chốt trên thị trường thế giới giảm 2,53% so với tháng trước xuống còn 93,13 điểm trong ngày 26/8/2020.

Trang Nguyễn