Báo cáo Chỉ số Niềm tin Kinh doanh (BCI) mới nhất từ Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) thể hiện BCI đã tăng nhẹ trong qúy III/2024. Điều này phản ánh tín hiệu tích cực trong tâm lý kinh doanh dù vẫn còn những thách thức kinh tế do hậu quả của bão Yagi và những rào cản trong vận hành doanh nghiệp.
Báo cáo Chỉ số Niềm tin Kinh doanh (BCI) củng cố nhận thức của các công ty Châu Âu và liên quan đến Châu Âu đang hoạt động tại Việt Nam về tình hình và sự phát triển của môi trường kinh doanh của quốc gia.
Theo đó, chỉ số BCI đã đạt 52,0 vào qúy III/2024, tăng 0,7 so với qúy I và tăng 6,9 so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số này cho thấy, chiều hướng phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam sau một năm đầy biến động trước các yếu tố ngoại cảnh.
Trước đó, Chính phủ dự báo GDP sẽ giảm 0,15%, với tổng thiệt hại ước tính lên tới 1,63 tỷ USD do ảnh hưởng của siêu bão Yagi. Tuy nhiên, cuộc khảo sát doanh nghiệp gần đây nhất của EuroCham cho thấy có đến 69,3% doanh nghiệp có cái nhìn khả quan về môi trường kinh doanh của Việt Nam trong vòng 5 năm tới.
Theo ông Bruno Jaspaert, Chủ tịch EuroCham, bảng khảo sát đã cho thấy sự kiên cường và thích ứng của cả nền kinh tế Việt Nam, cũng như các doanh nghiệp Châu Âu tại đây. Đồng thời, ông nhấn mạnh kết quả này đã làm nổi bật sự phát triển của Việt Nam như một trung tâm kinh doanh chiến lược.
Củng cố cho nhận định này, gần 70% các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Châu Âu cũng cho biết sẽ giới thiệu Việt Nam như là một điểm đến đầu tư hấp dẫn cho đầu tư nước ngoài (FDI), mặc dù vẫn còn một số thách thức nhất định.
Thêm vào đó, sau khi Nghị định mới về cơ chế thỏa thuận mua bán điện trực tiếp (DPPA) được ban hành vào tháng Bảy năm nay, nhiều doanh nghiệp bày tỏ cái nhìn tích cực đối với tương lai của công cuộc Chuyển đổi xanh tại Việt Nam. Gần 30% doanh nghiệp tham gia khảo sát dự đoán sẽ được hưởng lợi từ các dự án năng lượng tái tạo, trong khi khoảng một nửa số công ty Châu Âu tại Việt Nam tự tin vào khả năng chuyển đổi hoàn toàn sang năng lượng tái tạo vào năm 2050.
Ngoài ra, Khảo sát BCI cũng chỉ ra một số vấn đề cần được cải thiện. Theo đó, EuroCham xác định những trở ngại lớn nhất trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam là thủ tục hành chính, quy định chưa rõ ràng và khó khăn trong việc xin giấy phép.
Dù vậy, kế hoạch mở rộng kinh doanh vẫn đầy tiềm năng với các doanh nghiệp. Gần 80% doanh nghiệp cho biết họ đã có từ 1 đến 3 văn phòng hoặc cơ sở sản xuất tại Việt Nam, trong số đó có hơn một nửa dự định mở rộng hoạt động, với nhiều kế hoạch phát triển các cơ sở sản xuất mới.
PV (t/h)