THCL Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, ban hành những chính sách thông thoáng nhằm thu hút đầu tư; song do thiếu quỹ đất sạch, kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng kịp nhịp độ phát triển CN – đang là những rào cản khiến môi trường đầu tư tại Hậu Giang kém hấp dẫn.
Doanh nghiệp mong muốn gì?
Trong những năm qua, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) ở Hậu Giang có dấu hiệu sụt giảm. Năm 2015, PCI của Hậu Giang giảm 11 hạng so với 2014: Xếp hạng 36 của cả nước và hạng 9 trong khu vực ĐBSCL.
Trong đó, những chỉ số yếu cố hữu trong nhiều năm qua hầu như chưa được cải thiện, hoặc cải thiện rất chậm đó là tính minh bạch, hỗ trợ DN, đào tạo lao động trong năm nay tiếp tục suy giảm…
Ông Nguyễn Văn Quân, Phó giám đốc Sở KH&ĐT cho biết: “Có 5 chỉ số (thành phần) tụt giảm, nguyên nhân chính do cả khách quan lẫn chủ quan. Chẳng hạn, trong năm qua, chỉ số đào tạo lao động giảm 22 điểm, do nguồn lao động yếu và thiếu. Chỉ số minh bạch và tiếp cận thông tin sụt giảm do việc công bố quy hoạch chưa kịp thời, ảnh hưởng tới sự tiếp cận của DN…”.
Tuy nhiên, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – Chi nhánh TP. Cần Thơ, đơn vị chủ trì thực hiện chỉ số PCI cấp tỉnh đánh giá, Hậu Giang không có sự biến đổi lớn trong việc giảm điểm (so với 2014, năm 2015 chỉ giảm 0,6 điểm). Duy các chỉ số mang tính chiều sâu, dài hạn như đào tạo lao động, rất khó có thể cải thiện trong thời gian ngắn.
Nói về môi trường đầu tư, ông Trần Công Minh Khoa, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Lạc Tỷ II chia sẻ: “Tháo gỡ khó khăn cho DN bằng cách, mọi thủ tục liên quan làm sao cho thông thoáng, nhanh gọn, đỡ mất thời giờ. Như thế, rất mong có sự vào cuộc nghiêm túc, sự phối hợp đồng bộ hơn giữa các ban, ngành”.
Ông Huỳnh Thanh Truyền, Giám đốc Công ty TNHH TM – DV in Hậu Giang: “Tại DN, do tay nghề chưa vững nên số lượng công nhân rất bấp bênh, người vào người ra. Vì vậy, chúng tôi rất cần những lao động tại địa phương có tay nghề, chi phí cũng giảm đáng kể, sẽ giúp DN hoạt động ổn định”.
Tạo đòn bẩy để phát triển
Bí thư Tỉnh ủy Trần Công Chánh bày tỏ: “Hậu Giang sẽ nỗ lực đẩy mạnh cải cách hành chính, làm lành mạnh hóa mối quan hệ - góp phần xây dựng nền hành chính quốc gia ngày một tốt hơn. Bên cạnh việc thường xuyên theo dõi, chỉ đạo sát sao, cần giải quyết tốt mối quan hệ giữa các bên: cơ quan chức năng và DN. Bởi lẽ, tìm cách tháo gỡ khó khăn cho DN địa phương, cũng chính là tạo đòn bẩy để địa phương phát triển”.
Theo lãnh đạo tỉnh, Hậu Giang đã giao cho BQL Các khu - cụm CN thực hiện “cơ chế một cửa” điện tử nhằm giải quyết thủ tục cho DN được nhanh hơn, tăng tính công khai, minh bạch về thông tin. Điều này, sẽ góp phần giảm đáng kể sự nhũng nhiễu của cán bộ đối với DN và quy định trách nhiệm của từng cơ sở, ban, ngành. Tuy nhiên, về lâu dài, chính sách hỗ trợ DN tư nhân, DN nhỏ, cần phải được chú trọng.
“Tỉnh nên thành lập Ban chỉ đạo về cải cách hành chính, trong đó, đứng đầu là một vị lãnh đạo tỉnh. Ban chỉ đạo này cần có sự triển khai thường xuyên, trong suốt cả năm, chứ không phải chỉ “hô” vài lần rồi sau đó rơi vào chìm lắng. Thực tế, đã có những mô hình cải cách được xây dựng, nhưng không mang lại hiệu quả, do chúng ta chưa bám sát, triển khai thiếu đồng bộ…”, ông Nguyễn Phương Nam, Phó giám đốc VCCI Cần Thơ kiến nghị.
Nhiều DN lên tiếng, Hậu Giang cần có những chính sách ưu đãi hơn nhằm thu hút đầu tư, phát triển CN phụ trợ. Và một khi chi phí sản xuất được giảm xuống – sẽ góp phần khuyến thích các DN tìm đến đầu tư tại Hậu Giang.
Cải cách năng lực cạnh tranh – đó là cả một quá trình liên tục, kiên trì, lâu dài. Những kết quả đạt được về chỉ số PCI thời gian qua, sẽ là kinh nghiệm – bài học quý báu để Hậu Giang và các cơ quan, ban, ngành chức năng trong tỉnh tiếp tục đề ra những giải pháp có tính bứt phá, mang lại thành công trong thời gian tới.
Võ Thu Sương