Công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại dịch vụ Lê Gia (có trụ sở tại thôn Hồng Kỳ, xã Hoằng Phụ, Hoằng Hóa) chính là chủ thể sản xuất duy nhất tại Thanh Hóa tính đến thời điểm này, có sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia là “Mắm tôm Lê Gia”.
Theo giám đốc công ty Lê Ngọc Anh:
“Với các chủ thể nông nghiệp nhỏ bé như chúng tôi, Chương trình OCOP như là chắp cánh cho ước mơ vươn lên, phát triển cùng quê hương. Nhờ có Chương trình OCOP ("Mỗi xã một sản phẩm") và đặc biệt là sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia, chúng tôi được tiếp sức, có nhiều cơ hội tiếp cận hơn với các khách hàng, hệ thống phân phối hiện đại, siêu thị, từ đó được nhiều người biết đến hơn”.
Có sản phẩm được góp mặt trong 20 sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia đầu tiên của Việt Nam, vị giám đốc trẻ này cho rằng, điều may mắn chính là được sinh ra tại quê hương giàu truyền thống văn hóa và giàu tài nguyên bản địa.
“Nếu xét về điều kiện tự nhiên cho việc sản xuất mắm truyền thống nói chung, thì Thanh Hóa không có nhiều lợi thế như khu vực phía nam khi thời tiết có mùa đông, nguồn nguyên liệu và nghề phụ trợ hậu cần nghề cá không dồi dào. Nhưng bù lại, con người xứ Thanh chân tình, chăm chỉ - đã khắc phục những bất lợi của tự nhiên. Giá trị bản địa - chính là thế mạnh sẵn có mà chúng tôi đã nhìn ra và khơi dậy được, từ đó làm ra những sản phẩm mắm đặc sắc, mang đậm hồn cốt cha ông”, vị giám đốc (sinh 1985) trải lòng.
Nhiều người vẫn nhầm tưởng, phải là những sản phẩm “lớn lao”, giá trị kinh tế cao, mới có thể trở thành sản phẩm OCOP quốc gia, nhưng thực tế không hẳn vậy. Mắm tôm - thứ gia vị tưởng chừng dân dã này, nhưng là hương vị quê nhà, gắn với tuổi thơ của biết bao thế hệ, là gia vị không thể thiếu kèm với các món ăn cao lương.
Nhiều bạn bè quốc tế còn cho biết, khi thưởng thức nhiều món ăn truyền thống của Việt Nam như chả cá, bún riêu, bún thang... không thể thiếu mắm tôm đi kèm.
Theo anh Lê Ngọc Anh:
“Còn nhớ gần đây, kênh truyền hình nổi tiếng và danh giá bậc nhất thế giới là CNN, đã phát video quảng bá du lịch Việt Nam có tên “Why not - Viet Nam”, đề cập rất nhiều đến mắm tôm. Bởi vì, chính ẩm thực là điểm hấp dẫn, là “sức mạnh mềm” trong cạnh tranh quốc gia để thu hút du khách. Trong ẩm thực thì "linh hồn" - trung tâm là các gia vị liên quan đến nước mắm và mắm - một loại “hộ chiếu ẩm thực” của người Việt”.
Là “thương hiệu” được phát triển từ gia đình có nghề làm mắm truyền thống lâu đời vùng biển Hoằng Phụ, Lê Gia luôn đặt mình là một thành tố của quê hương, của vùng, miền và nghề mắm truyền thống. Từ đó, công ty xác định rõ sứ mệnh phải phát huy tài nguyên bản địa gắn với việc cải tiến, nâng tầm một sản vật được ví là “quốc hồn, quốc túy”: Mắm truyền thống!
Với sự khiêm tốn của một chàng trai quê biển, Giám đốc Lê Ngọc Anh chỉ nhận công ty mình là một chủ thể nhỏ bé, nhưng sẵn sàng sẻ chia kinh nghiệm với mong muốn được cùng quê hương giàu đẹp lên, có nhiều chủ thể trong tỉnh phát triển và nâng tầm các sản phẩm OCOP.
Thành quả sản phẩm OCOP 5 sao của công ty - được đúc kết đó là phải gắn với yêu cầu thị trường và dựa trên lợi thế tài nguyên bản địa. Trong quá trình sản xuất, công ty đã xây dựng và biến mình trở thành một thành tố quan trọng gắn với cuộc sống của nhiều thành viên trong chuỗi sản xuất an toàn: Ngư dân - diêm dân - người lao động bãi ngang ven biển - doanh nghiệp.
Sự phát triển của công ty, luôn gắn với sự phát triển của địa phương, không chỉ là một thực tế chứng minh cho tính cộng đồng của sản phẩm OCOP, mà còn phát huy được giá trị mềm - cạnh tranh cho sản phẩm khi ra biển lớn. Mô hình du lịch trải nghiệm tham quan nhà thùng mắm truyền thống Lê Gia cho du khách du lịch hè biển Hải Tiến ở mức độ nhỏ, với sự hỗ trợ của người dân địa phương - là một thực tế rõ nét. Công ty đang tích cực đẩy mạnh mô hình này, để không chỉ giải quyết việc làm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, mà còn góp phần tích cực vào việc xây dựng nông thôn mới, gia tăng giá trị cho du lịch quê nhà.
Sau gần 6 năm khởi nghiệp, gần chục loại sản phẩm mắm và nước mắm Lê Gia đã có mặt tại nhiều hệ thống siêu thị lớn trên toàn quốc như Vinmart, Big C, Aeon, Mega Market, Co.opmart... Đặc biệt, mắm tôm đã xuất khẩu đến thị trường khó tính như Mỹ, Nga, Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Theo kinh nghiệm và định hướng theo đuổi của vị giám đốc trẻ:
Thứ nhất, phải hướng đến nông nghiệp đa giá trị. Trong quá trình sản xuất, cần tích hợp đa giá trị là kết tinh tài nguyên bản địa với các kỹ thuật, công nghệ chế biến tiên tiến và cả những bản sắc văn hóa, tạo thành thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp, nông thôn.
Chai mắm, hạt lúa... không chỉ là sản phẩm hữu hình, mà còn chứa đựng chiều sâu văn hóa, câu chuyện, trải nghiệm mà chúng ta - nếu biết khai thác, sẽ mang lại giá trị gia tăng nhiều hơn.
Hằng năm, Thanh Hóa đón hàng chục triệu lượt khách du lịch, sẽ là cộng hưởng tuyệt vời, cơ hội được quảng bá cho nông sản xứ Thanh vươn xa thông qua các mô hình du lịch trải nghiệm, các tuần lễ nông sản, phố ẩm thực, phố đi bộ.
Thứ hai, cần có tư duy thị trường trong sản xuất, kinh doanh. Khi thị trường là mệnh lệnh của sản xuất, thì “tư duy sản xuất” sẽ cần chuyển sang “tư duy kinh tế”. Phải đứng ở góc nhìn của thị trường, mang tư duy của thị trường để thiết kế sản phẩm, đầu tư cho công tác nghiên cứu phát triển, dựa trên thế mạnh tài nguyên bản địa, nguồn lực của mỗi chủ thể.
Tư duy thị trường, phải thể hiện trong từng khâu của chuỗi giá trị doanh nghiệp, từ những việc nhỏ nhất như bao bì, tem nhãn, đến phân khúc và thiết kế sản phẩm, tiếp thị, quảng bá và bán hàng.
Thứ ba, phải đầu tư vào sản phẩm. Bởi lẽ, khi các nguồn lực chưa đủ, thì điều duy nhất cần làm đó là tập trung để phát triển sản phẩm một cách tốt nhất. Sản phẩm thì có phần cứng (là các giá trị vật lý hữu hình) và phần mềm (giá trị tăng thêm, cảm xúc, bao bì, thiết kế, tính thuận tiện).
Sau khi có sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, thì đầu tư xây dựng trải nghiệm khách hàng. Điều này, đòi hỏi nguồn lực và sự quyết tâm lớn. Nếu nhỏ thì làm từ những cái nhỏ với một tâm thế, tầm nhìn lớn. Đây là việc làm cần bền bỉ và quyết tâm, nhưng sẽ là lợi thế cạnh tranh không nhỏ cho một sản phẩm muốn đi xa.
Ví dụ, về nắp chai thiết kế, giúp tiện lợi trong quá trình rót của Nước mắm Lê Gia với việc đầu tư khuôn nắp từ nước ngoài chi phí rất lớn, là một đầu tư cho trải nghiệm khách hàng bền vững. Hay như, việc nâng cấp gia vị quen thuộc thành các món quà biếu tặng, thiết kế bao bì sang trọng phù hợp với nhiều nhu cầu biếu tặng - cũng là một khoản đầu tư giá trị cho trải nghiệm khách hàng theo phương châm "Gieo trước - gặt sau" - đầu tư cho khách hàng là một trong những khoản đầu tư sinh lợi bền vững nhất!...
Với niềm tin, sự bền bỉ, nếu cố gắng làm tốt, từng chút từng chút một, thì sản phẩm OCOP xứ Thanh hoàn toàn có nhiều cơ hội bay cao, vươn xa để khẳng định mình.
Chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP quốc gia duy nhất của Thanh Hóa, đến thời điểm hiện tại, muốn gửi gắm và chia sẻ kinh nghiệm cho nhiều chủ thể khác - đang có kế hoạch và hoài bão xây dựng sản phẩm OCOP đạt tiêu chí cao nhất theo tiêu chuẩn Việt Nam hiện nay.
PV (Nguồn: baothanhhoa.vn)