Phát triển thiếu kiểm soát
Với bờ biển trải dài hơn 3.260km từ bắc vào nam, Việt Nam có nhiều lợi thế và tiềm năng để phát triển các đô thị biển đảo, trở thành trụ cột, động lực để phát triển kinh tế biển.
Theo ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, hiện Việt Nam có trên 50% dân số sống ở 28 tỉnh, thành phố ven biển. Khoảng một nửa các đô thị lớn của Việt Nam tập trung ở khu vực ven biển. Trong đó, các đô thị biển của Việt Nam chỉ mới phát triển tập trung ở dải ven biển như Hạ Long, Hải Phòng, Sầm Sơn, Vinh, Huế, Đà Nẵng, Hội An, Quy Nhơn, Nha Trang, Vũng Tàu…
Thừa nhận chúng ta có tiềm năng để phát triển đô thị biển. Song, nhiều chuyên gia cho rằng, nhìn tổng thể Việt Nam vẫn đang vắng bóng những đô thị biển đúng nghĩa. Từ đó, có thể phát huy, khai thác tối đa những giá trị, lợi thế mà “biển bạc” mang lại.
Thay vào đó, đô thị hướng biển ở nước ta đang đối mặt với rất nhiều thách thức cản trở quá trình phát triển bền vững, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu gia tăng. Trong đó, nổi lên việc chúng ta vẫn chưa có tổng thể quy hoạch mạng lưới đô thị biển một cách bài bản.
Nhiều bãi biển rất đẹp, song việc xây dựng đã gần như chiếm hết diện tích và chia lô, chia nền khiến người dân gần như mất hết các bãi tắm. Đơn cử, dọc tuyến đường biển từ Đà Nẵng vào Quảng Nam hiện đang bị án ngữ bởi dãy khách sạn, resort dày đặc, kéo dài dằng dặc. Không gian công cộng, bãi biển, lối xuống biển bị hạn chế ở nhiều nơi.
Trên thực tế, nhiều dự án ven biển thiếu không gian cảnh quan, quy hoạch sử dụng đất chưa sát thực tế dẫn tới tình trạng dự án “treo”, gây lãng phí đất đai. Đặc biệt, sự phát triển ồ ạt các dự án bất động sản trong các đô thị ven biển, xây dựng các công trình sát biển hay xu hướng tư nhân hóa bãi biển, những dự án dân cư, thương mại cao tầng... tiềm ẩn nguy cơ kìm hãm và làm tổn hại cơ hội phát triển trong tương lai của các đô thị ven biển.
Ông Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho rằng, chúng ta đang thiếu quy hoạch phát triển đô thị biển. Trong đó, bao gồm phát triển ra ngoài đại dương, hiện chỉ có quy hoạch đất liền. Điều này dẫn đến hệ lụy, tất cả các đô thị biển nhang nhác nhau, không có nét đặc trưng, không có sự liên kết lẫn nhau, thậm chí còn xung đột lợi ích.
Cũng theo ông Dũng, do chưa có lời giải cho bài toán chung khiến không gian phát triển biển xung đột, chưa quy hoạch rõ chỗ nào phát triển du lịch, chỗ nào phát triển công nghiệp, dịch vụ…
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Chu Hồi - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho rằng, nước ta có 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển với nhiều đô thị lớn nhỏ được hình thành và phát triển tập trung ở vùng ven biển từ khá lâu đời.
Tuy nhiên, về số lượng như vậy vẫn còn quá ít. Quy mô vẫn còn quá nhỏ và về chất lượng vẫn còn ở mức thấp so với thế giới. Theo ông Hồi, các đô thị ven biển nước ta, vẫn được phát triển trên nền tảng của tư duy “đất liền”. Giá trị của biển vẫn chưa được phát huy. Trong khi các giá trị trước mắt của “đất vàng” ở ven biển hấp dẫn hơn đối với cả nhà hoạch định chính sách và nhà đầu tư.
Xây dựng hệ sinh thái đô thị biển
Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Đảng xác định mục tiêu: đến năm 2030, kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 10% GDP cả nước; kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển chiếm 65 - 70% GDP cả nước; thu nhập bình quân đầu người của các tỉnh, thành phố ven biển gấp từ 1,2 lần bình quân cả nước…
Đến năm 2045, Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh. Mới đây, Bộ Chính trị cũng đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Nghị quyết khẳng định mục tiêu và nhiệm vụ tiếp tục phát triển các chuỗi đô thị biển gắn với thực hiện chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển...
Để hệ thống đô thị biển nước ta phát triển xứng tầm và bền vững, triển khai hiệu quả chiến lược biển 2030, ông Nguyễn Chu Hồi cho rằng, chúng ta có quá nhiều việc phải làm. Trong đó cần phải tổ chức lại không gian kinh tế biển. Bao gồm kinh tế ven biển, kinh tế đảo và kinh tế thuần biển, trong đó có việc xác định không gian đô thị biển.
Cụ thể, cần xem xét, cân nhắc và chú ý xử lý nhiều vấn đề như: Công nhận và sử dụng khôn khéo các giá trị của cảnh quan thiên nhiên và các hệ sinh thái biển, đảo như là nguồn “vốn phát triển” dài hạn; thiết kế và lựa chọn các mẫu hình kiến trúc đô thị xanh, thân thiện với tự nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp văn hóa bản địa.
Xác định mô hình đô thị biển như là một “hệ sinh thái đô thị biển” đa chiều, đa phương diện, đa dạng và đa dụng. Nó có đầy đủ chức năng và cấu trúc của một phức hệ sinh thái tự nhiên lẫn nhân sinh. Mô hình đô thị ven biển, đô thị đảo hay đô thị trên biển vừa phải hiện đại, vừa dân tộc; bảo đảm an ninh, an toàn và an sinh và vừa có tính đặc thù vùng miền.
Bên cạnh đó, để phát triển bền vững các đô thị biển, cần thiết phải có sự điều chỉnh các văn bản pháp luật, bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế quy hoạch xây dựng, đáp ứng yêu cầu phát triển của khu vực ven biển; cần phân loại dự án ưu tiên đầu tư xây dựng và có giải pháp cụ thể đối với từng nhóm dự án...
Cụ thể, ông Trần Ngọc Chính cho rằng, các loại đất ven biển đều phải thực hiện theo quy hoạch. Quy hoạch phải bảo đảm lợi ích hài hòa của người dân tại khu vực đó, cũng như lợi ích của nhà đầu tư và nhà nước. Ngoài ra, cần thiết phải có sự điều chỉnh các văn bản pháp luật, bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế quy hoạch xây dựng, đáp ứng yêu cầu phát triển của khu vực ven biển.
Cần phân loại dự án ưu tiên đầu tư xây dựng và có giải pháp cụ thể đối với từng nhóm dự án nhằm đảm bảo việc đầu tư xây dựng có hiệu quả, tránh lãng phí đất đai, bảo vệ môi trường và ứng phó, thích nghi với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Đặc biệt, theo ông Đăng Việt Dũng, để phát triển kinh tế biển một cách bền vững cần sớm đưa khái niệm về đô thị biển vào quy định của pháp luật như là định nghĩa về đô thị đặc thù. Từ đó, hình thành mô hình phát triển đô thị biển bền vững trên cơ sở phân tích, đánh giá các điều kiện tự nhiên, xã hội, quá trình phát triển của các đô thị ven biển hiện nay.
Đồng thời, xây dựng các tiêu chí, tiêu chuẩn cho đô thị biển trong phân loại đô thị tạo thuận lợi cho việc xác định vị trí, vai trò chức năng của đô thị biển, nhất là các đô thị biển được xác định trở thành đô thị động lực, bổ sung nội dung quy hoạch hệ thống đô thị biển vào quy hoạch tổng thể quốc gia.
H.T (t/h)