Mối lo của Ấn Độ

Ấn Độ là quốc gia ủng hộ mạnh mẽ và cung cấp viện trợ cho chính phủ Afghanistan từ khi Tổng thống Ashraf Ghani lên nắm quyền. Tuy vậy, lịch sử quan hệ của New Dehli và Taliban có rất nhiều vấn đề phức tạp. Pakistan – “đối thủ truyền kiếp” của Ấn Độ từ lâu được cho là đã âm thầm hỗ trợ cho nhóm vũ trang Hồi giáo này. Vì thế, chính quyền Taliban mới có thể sẽ không hoan nghênh ảnh hưởng của Ấn Độ.

Cảnh sát Afghanistan đứng cạnh quốc kỳ của Ấn Độ và Afghanistan. Ảnh: Reuters
Cảnh sát Afghanistan đứng cạnh quốc kỳ của Ấn Độ và Afghanistan. Ảnh: Reuters.

 Trong những tuần gần đây, khi Taliban đạt được những bước tiến lớn trên thực địa, đã diễn ra một cuộc tranh luận sôi nổi trong giới hoạch định chính sách tại Ấn Độ về việc liệu New Delhi có nên theo bước các quốc gia khác và thiết lập một kênh ngoại giao chính thức với lực lượng này hay không. Trung Quốc đã tiếp đón phái đoàn ngoại giao của Taliban vào tháng 7 vừa qua, còn đặc phái viên của Nga tại Afghanistan hồi đầu tuần cho biết ông sẽ gặp gỡ các đại diện của lực lượng này.

Hiện New Delhi vẫn đang loay hoay tìm giải pháp phù hợp, trong bối cảnh Taliban nỗ lực thuyết phục cộng đồng quốc tế rằng họ sẽ là những nhà lãnh đạo ôn hòa và hợp pháp của Afghanistan.

Phát biểu với báo chí sau cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tại New York ngày 18/8, Ngoại trưởng Ấn Độ  S. Jaishankar không nêu rõ liệu nước này có công nhận Taliban hay không mà chỉ nói rằng cách tiếp cận của họ sẽ được định hướng bởi quan hệ lâu dài với người dân Afghanistan.

Khi trả lời câu hỏi liệu New Dehli có tiến hành giao ước với Taliban hay không, ông Jaishankar cho biết: “Chúng tôi đang xem xét tình hình ở Kabul”. Theo quan chức này, điều quan trọng nhất là đảm bảo an ninh tại Afghanistan và sơ tán an toàn các công dân Ấn Độ. Hồi đầu tuần, Ấn Độ đã sơ tán đại sứ và các nhà ngoại giao ra khỏi Kabul.

Chuẩn bị cho tình huống xấu

Cựu ngoại trưởng Ấn Độ Kanwal Sibal cho rằng, nước này nên chuẩn bị cho tình huống buộc phải giảm sự hiện diện tại Afghanistan. Trong 2 thập kỷ qua, Ấn Độ đã chi 3 tỷ USD cho các dự án phát triển ở Afghanistan, xây dựng bệnh viện, trường học, cầu cảng và tòa nhà quốc hội. Việc mở rộng ảnh hưởng tại Afghanistan cho phép New Delhi tiếp cận với Iran, Trung Á và xa hơn nữa.

“Ấn Độ sẽ mất đi những nền tảng mà họ gây dựng tại Afghanistan”, ông Kanwal Sibal nhận xét. 

Ông Gautam Mukhopadhaya - cựu đại sứ Ấn Độ tại Pakistan từ năm 2010 đến 2013 cho biết, nước này đã dựa vào các cuộc đàm phán nội bộ của Afghanistan tại Doha với sự tham gia của chính phủ Tổng thống Ghani và Taliban để đi đến một sự dàn xếp về chính trị.

“Taliban tiếp quản Afghanistan đồng nghĩa với việc chúng tôi mất đi không gian chiến lược quan trọng và Pakistan có được cơ hội đó – điều mà họ luôn muốn kiếm tìm”.

“Sự gia tăng ảnh hưởng của Pakistan tại Afghanistan đồng nghĩa với việc khả năng hoạt động của chúng tôi ở quốc gia này sẽ luôn bị bó hẹp và khó có cơ hội phát triển trừ khi Taliban thay đổi lập trường”, ông Mukhopadhaya lưu ý.

Asoke Mukerji – cựu đại sứ Ấn Độ tại Liên Hợp Quốc cho biết, nước này có 2 ưu tiên chính tại Afghanistan. Một là, đảm bảo chính phủ Afghanistan có thể cung cấp cho Ấn Độ một tuyến đường đi qua quốc gia này và kết nối với Trung Á. Tuyến đường đó sẽ không đi qua Pakistan, thay vì đó qua cảng Chabahar của Iran mà Ấn Độ đang tài trợ. Thứ hai là, đảm bảo củng cố quan hệ đối tác giữa hai bên, tập trung vào phát triển nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng ở 34 tỉnh thành tại Afghanistan.

Tuy vậy, khi Afghanistan nằm dưới sự cai quản của Taliban – lực lượng luôn duy trì liên kết chặt chẽ với Pakistan, các dự án của Ấn Độ có thể gặp nguy hiểm.

Theo Cựu ngoại trưởng Ấn Độ Kanwal Sibal, dù vẫn còn quá sớm để xác định mô hình chính phủ mới tại Afghanistan nhưng lập trường của Mỹ và đồng minh sẽ có tác động quan trọng trong bối cảnh Nga và Trung Quốc đã bày tỏ thiện chí hợp tác với Taliban.

Sau khi giành quyền kiểm soát Afghanistan, Taliban cam kết không làm tổn hại đến người dân, trao quyền cho phụ nữ trong khuôn khổ luật Hồi giáo và không cho phép các nhóm khủng bố hoạt động ở nước này. Nhưng ông Kanwal Sibal cho rằng, Taliban sẽ khó ổn định tình hình Afghanistan bởi “ý thức hệ của họ vẫn lạc nhịp so với những thay đổi về đời sống và xã hội của đất nước trong 2 thập kỷ qua”.  

“Các nước láng giềng của Afghanistan, ngoại trừ Pakistan đều lo lắng trước thắng lợi của Taliban, song còn quá sớm để dự đoán họ sẽ làm gì để bảo vệ các lợi ích của mình”, chuyên gia Sibal  nói.

Tranh cãi về chính trị

Những tranh cãi liên quan đến cách thức xử lý quan hệ với Taliban vẫn tiếp tục chiếm sóng trong các cuộc thảo luận về chính sách tại Ấn Độ. Vivek Katju, cựu quan chức ngoại giao Ấn Độ cho rằng: “Xây dựng quan hệ với Taliban là cách tốt nhất để Ấn Độ bảo vệ các lợi ích của nước này tại Afghanistan”.

Trái lại, cựu ngoại trưởng Kanwal Sibal cho rằng: “Việc thiết lập quan hệ với Taliban ở thời điểm này sẽ là một sai lầm”. Theo cựu quan chức này, nếu Ấn Độ chưa từng làm điều đó trước đây thì cũng không có lý do gì để thực hiện việc này ở thời điểm hiện tại, bởi vì làm như vậy sẽ khiến New Delhi bị yếu thế.

“Họ (Taliban) phải chứng minh cho chúng tôi thấy rằng họ sẽ không trở thành công cụ giúp Pakistan thực hiện các hành vi đối đầu với Ấn Độ trước khi chúng tôi tin họ là một đối tác đáng tin cậy”. Trước đó vào năm 1999, khi Taliban nắm quyền ở Afghanistan, Ấn Độ buộc phải trả tự do cho phần tử cực đoan người Pakistan Masood Azhar để đổi lấy hành khách của một chiếc máy bay Ấn Độ bị cướp khi đang bay đến miền Nam Afghanistan. 

Còn cựu đại sứ Mukhopadhaya nói rằng, ông không tin Taliban sẽ là “nhà cầm quyền vĩnh viễn tại Afghanistan” bởi “sớm hay muộn cũng sẽ có một chiến dịch đối kháng”. “Hiện giờ Ấn Độ nên tập trung các nỗ lực hỗ trợ người dân Afghanistan trong khả năng có thể”, ông Mukhopadhaya lưu ý.

Một số nhà phân tích cho rằng, dù Ấn Độ không vội vã tiếp xúc với Taliban giống như Nga hay Trung Quốc, song nhiều khả năng New Dehli sẽ cố gắng để nhận được sự đảm bảo từ Taliban rằng các lợi ích của nước này sẽ được bảo vệ và lãnh thổ Afghanistan sẽ không bị sử dụng làm bàn đạp để tấn công Ấn Độ./.

Theo Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch)