Dự họp tại đầu cầu trụ sở Chính phủ còn có các Phó Thủ tướng: Phạm Bình Minh, Lê Minh Khái, Vũ Đức Đam, Lê Văn Thành; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ. Dự họp tại điểm cầu các địa phương có Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch UBND 63 tỉnh, thành phố.
Quy hoạch là một căn cứ quan trọng trong triển khai phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, từng ngành cũng như toàn quốc gia. Thực tế không có quy hoạch thì rất khó trong thu hút đầu tư, huy động nguồn lực một cách bài bản, hiệu quả cao nhất; không tạo được môi trường thuận lợi cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, không khai thác được tối đa tiềm năng, lợi thế và cơ hội của đất nước.
Thực hiện Luật Quy hoạch, Chính phủ đang xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia và quy hoạch không gian biển quốc gia để trình Quốc hội phê duyệt ; các bộ, ngành xây dựng quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng và các địa phương xây dựng quy hoạch tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Để đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo xuyên suốt trong thời gian qua. Tháng 8 năm 2021, Chính phủ đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc để bàn các giải pháp đẩy mạnh triển khai Luật Quy hoạch hiệu quả, thực chất và đúng tiến độ. Sau hội nghị, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 119/NQ-CP ngày 27/09/2021 về các nhiệm vụ và giải pháp để nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch thời kỳ 2021-2030, trong đó đề ra mục tiêu hoàn thành việc lập quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 theo quy định của pháp luật về quy hoạch trước ngày 31/12/2022.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, sau gần 1 năm kiện toàn Chính phủ mới, đây là lần thứ hai, chúng ta tổ chức họp về thúc đẩy, xem xét các quy hoạch theo Luật Quy hoạch được ban hành. Kể từ cuộc họp trước đến nay, chúng ta đã làm một số việc, tuy nhiên, tiến độ lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch vẫn còn chậm so yêu cầu. Theo báo cáo tổng hợp, đến giờ này mới lập được gần 10% quy hoạch cần phải lập trong hệ thống toàn quốc.
Thủ tướng đề nghị tập trung đánh giá thực trạng, trao đổi, lấy ý kiến về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tiếp tục rà soát, đánh giá những vướng mắc, những cái chưa được có các nguyên nhân liên quan đến thể chế, quy định hay không để chúng ta tiếp tục điều chỉnh, bổ sung. Vừa qua, Quốc hội, Chính phủ đã có rà soát một bước; những gì vướng mắc thì chúng ta đang tìm cách tháo gỡ.
Thủ tướng yêu cầu phải phân tích, mổ xẻ thực tế đang vướng mắc gì, tại sao công tác lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch lại chậm như thế để trên cơ sở đó, chúng ta tìm ra các giải pháp sát thực tế, khả thi, tiếp tục thúc đẩy công tác này theo đúng tinh thần Luật Quy hoạch đã quy định; phải tiếp tục rà soát lộ trình, bước đi. Phải có quy hoạch mới triển khai đồng bộ, phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hổi nổi trội, lợi thế cạnh tranh của từng ngành, địa phương, chỉ ra mâu thuẫn, khó khăn, thách thức để tháo gỡ.
Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu: Quy hoạch quốc gia, ngoài quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được Quốc hội phê duyệt, còn 2 quy hoạch là quy hoạch tổng thể quốc gia và quy hoạch không gian biển quốc gia. Để đáp ứng tiến độ trình Quốc hội phê duyệt kỳ hợp tháng 10/2022, thủ tục, các bước phải thực hiện là rất lớn và gấp.
Quy hoạch ngành, đến nay, có 04/38 quy hoạch ngành quốc gia đã được phê duyệt và 14/38 quy hoạch ngành quốc gia đã lập xong, lấy ý kiến, trình thẩm định (trong đó có 03 quy hoạch đã được tổ chức thẩm định xong; 01 quy hoạch đang trình thẩm định). Còn 20/38 quy hoạch ngành quốc gia, các bộ đang thực hiện; tuy nhiên, tiến độ, kế hoạch lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch này thường xuyên được điều chỉnh, xin gia hạn.
Với quy hoạch vùng thì quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã được Hội đồng thẩm định quy hoạch thông qua tại phiên họp của Hội đồng thẩm định ngày 25/11/2021 và đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Về quy hoạch của 05 vùng: Trung du và miền núi phía Bắc; Đồng bằng sông Hồng; Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên, đang thực hiện và dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ tháng 12/2022.
Quy hoạch tỉnh, hiện mới có quy hoạch tỉnh Bắc Giang/63 tỉnh được phê duyệt, còn 02 thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh chưa phê duyệt nhiệm vụ nên mục tiêu phê duyệt quy hoạch 63 tỉnh trong 2022 là thách thức, nhất là đối với cơ quan thẩm định.
Q.N (t/h)