Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

Chính phủ họp thường kỳ tháng 4/2018

Hôm nay (3/5), dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ tiến hành họp phiên thường kỳ tháng 4/2018.

Những chỉ số tích cực

Về tình hình kinh tế-xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm, ngay từ đầu năm, Chính phủ đã tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để triển khai các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội. Các bộ, ngành, địa phương, cơ quan đã ban hành kế hoạch hành động cụ thể, thường xuyên tổ chức kiểm tra đôn đốc công việc được giao, tổ chức nhiều diễn đàn đầu tư, xúc tiến thương mại, đối thoại lắng nghe ý kiến của người dân và doanh nghiệp. Đồng thời với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tình hình KT-XH nước ta tiếp tục chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực:

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 tăng 0,08% so với tháng trước, bình quân 4 tháng tăng 2,8% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 4,8%), lạm phát cơ bản bình quân tăng 1,34% so với bình quân cùng kỳ (cùng kỳ tăng 1,62%). Mặt bằng lãi suất, tỷ giá ổn định.

Chính phủ họp thường kỳ tháng 4/2018 - Hình 1

Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 4/2018

Chỉ số sản xuất công nghiệp IPP tính chung cả 4 tháng ước tăng 11,4%, cao hơn so với mức tăng của 4 tháng năm 2017 (6,6%), trong đó, riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 14%.

Sản xuất nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng khá và phục hồi rõ nét, do điều kiện thời tiết thuận lợi (đàn bò tăng 2,9%, gia cầm tăng 6,8%, sản lượng thủy sản tăng 4,5%, trong đó nuôi trồng tăng 5,9%, khai thác tăng 3,2%). Tính tới thời điểm cuối tháng 4/2018, đã có 50 huyện và 3.069 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Xuất khẩu hàng hóa tiếp tục đà phát triển với nhiều tín hiệu tốt đẹp, ngay trong những tháng đầu năm, nhiều đơn hàng xuất khẩu lớn đã được ký kết, tổng kim ngạch xuất khẩu 4 tháng qua đạt 73,76 tỷ USD, tăng 19%. Xuất siêu tiếp tục duy trì ở mức 3,39 tỷ USD, góp phần quan trọng cải thiện cán cân thanh toán quốc tế. Ngoài việc tiếp tục tăng trưởng mạnh xuất khẩu, chúng ta đã có bước tiến quan trọng trong điều tiết nhập khẩu, đặc biệt nhập siêu từ Trung Quốc.

Khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục tăng mạnh đạt trên 5,5 triệu lượt, tăng 29%. Hôm nay, Chính phủ cũng bàn đến việc tiếp tục gia hạn thị thực cho công dân 5 nước Tây Âu và Thủ tướng kết luận đồng ý gia hạn thêm ba năm nữa, bắt đầu từ 1/7/2018.

Đặc biệt, dự trữ ngoại hối đã đạt gần 63 tỷ USD, như vậy trong hơn 2 năm qua chúng ta đã mua thêm 32 tỷ USD. Thu ngân sách đạt hơn 33% dự toán.

Cùng với đó, các vụ việc tiêu cực, tham nhũng được xử lý nghiêm, củng cố niềm tin cho cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Kinh tế vĩ mô ổn định chưa thật vững chắc

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, nền kinh tế nước ta vẫn còn những hạn chế, khó khăn, thách thức:

Kinh tế vĩ mô ổn định chưa thật vững chắc. Mặc dù chỉ số CPI 4 tháng đầu năm tăng thấp nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ lạm phát tăng do nhiều nguyên nhân, trong đó có xu hướng giá dầu thô tăng (giá dầu có lúc đạt đến 72 USD/thùng, cao nhất từ cuối năm 2014).

Giải ngân vốn đầu tư công thấp (4 tháng vốn giải ngân chỉ đạt 16,4% dự toán, cùng kỳ năm 2017 đạt 22,3% dự toán).

Môi trường đầu tư kinh doanh cần tiếp tục cải thiện mạnh mẽ hơn, toàn diện hơn, nhiều chỉ số của môi trường kinh doanh còn có thứ hạng thấp trong bảng xếp hạng toàn cầu như gia nhập thị trường, phá sản doanh nghiệp. Cả nước có trên 41.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, chỉ tăng 4,3% so với cùng kỳ. Có trên 26.000 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, số doanh nghiệp giải thể gần 4.700, tăng 15,8% so với cùng kỳ. Thủ tướng nhắc tới một số ví dụ cụ thể về những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và yêu cầu kiểm tra, xử lý như có địa phương lên Sở Xây dựng xin điều chỉnh quy hoạch phải đi tới 33 lần. Nhiều Bộ đã chủ động, mạnh mẽ, quyết liệt trong cải cách hành chính, cắt giảm thủ tục, điều kiện kinh doanh, nhưng cũng có nhiều Bộ chưa chủ động. Có tình trạng “trên nóng, dưới nóng, ở giữa lạnh”, tức là cấp trung gian như huyện, sở, vụ, cục… chưa vào cuộc.

Vốn FDI đăng ký mới có xu hướng giảm trong bối cảnh Mỹ và các đối tác giảm mạnh thuế suất thu nhập doanh nghiệp và thực hiện các chính sách thu hút đầu tư về nước. Mặc dù vốn FDI thực hiện tiếp tục tăng 6,3%, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tăng 67%, nhưng vốn đăng ký cấp mới giảm 27,2% so với cùng kỳ, vốn đăng ký tăng thêm giảm 48,6% so với cùng kỳ.

Tình trạng nợ đọng văn bản, nhiều văn bản hướng dẫn thi hành chi tiết luật, pháp lệnh chậm được ban hành, cần có giải pháp khắc phục.

Lĩnh vực văn hóa xã hội còn có hạn chế, một số biểu hiện xấu về đạo đức, lối sống, như các vụ việc liên quan tới các thầy thuốc, nhà giáo, học sinh…; hoạt động của một số người xưng là “Hội Thánh của Đức Chúa Trời” chưa được xử lý kịp thời; còn xảy ra một số vụ phá rừng nghiêm trọng…

Quyết liệt các giải pháp

Chính phủ cho rằng nhiệm vụ thời gian tới của năm 2018 là hết sức nặng nề trong bối cảnh tình hình khu vực và trên thế giới còn nhiều bất ổn, khó lường; nhất là xu hướng bảo hộ mậu dịch, dựng hàng rào thuế quan đối với một số mặt hàng mà ta có thế mạnh. Do đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành chức năng cần chủ động theo dõi sát diễn biến tình hình, nghiên cứu, phân tích kỹ để đề xuất giải pháp phù hợp với những kịch bản, diễn biến mới, nhất là động thái của các nước lớn trên thế giới, trong khu vực và tình hình thị trường, sự phát triển của khoa học công nghệ.

Chính phủ yêu cầu từng thành viên Chính phủ, các bộ ngành, địa phương chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP; các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ ban hành trong năm và Chương trình hành động của Bộ ngành, địa phương. Tăng cường đôn đốc, kiểm tra, khắc phục tình trạng trì trệ trong thực hiện nhiệm vụ.

Trên cơ sở kết quả thảo luận, thống nhất tại Phiên họp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các  thành viên Chính phủ, Bộ trưởng, Trưởng ngành tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô; giải ngân vốn đầu tư công; tài chính - ngân sách; nông nghiệp, nông thôn; công nghiệp và xây dựng; dịch vụ và du lịch; giao thông vận tải; môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính; văn hóa, xã hội, môi trường; quốc phòng, an ninh và đối ngoại; thông tin và truyền thông.

Chính phủ sẽ tiếp tục coi công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật, cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh là ưu tiên hàng đầu trong năm 2018 và các năm tiếp theo. Đẩy mạnh rà soát các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật nào không còn phù hợp, cản trở đối với phát triển kinh tế - xã hội thì cần phải sửa ngay (các quy định liên quan đến đầu tư, kinh doanh, quy hoạch, môi trường, đất đai, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt) nhằm tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh. Quan tâm, đẩy mạnh việc xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, không để nợ đọng văn bản hướng dẫn, nêu rõ trách nhiệm cá nhân.

Về chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương 7 và Kỳ họp thứ 5 Quốc hội sắp diễn ra, Chính phủ yêu cầu phải đổi mới, nâng cao trách nhiệm, chất lượng chuẩn bị, phục vụ; các Bộ, ngành được giao nhiệm vụ khẩn trương hoàn thiện đúng tiến độ, chất lượng các Báo cáo và Đề án được phân công để trình Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội, không nợ đọng các văn bản thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

Cũng tại phiên họp, Thủ tướng đã cho ý kiến chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các cơ quan về một số vấn đề cụ thể nổi lên trong thời gian qua. Như ngăn chặn các hoạt động lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng, vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội và đời sống của người dân.

Trong lĩnh vực giáo dục, phải chủ động phát hiện sớm, có biện pháp ngay từ đầu, không để xảy ra các vụ việc đáng tiếc như vừa qua liên quan tới phẩm chất, đạo đức, danh dự giáo viên; quan tâm bảo đảm cơ sở vật chất trường học, ngay từ những việc rất cụ thể như khắc phục tình trạng nhà vệ sinh trường học bẩn thỉu, hôi hám…

Về kết quả thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, cơ quan địa phương và kết quả kiểm tra tháng 4 năm 2018 của Tổ công tác, với tư cách là Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết:

Từ ngày 01/01/2017 đến 30/4/2018, có tổng số 26.705 nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, cơ quan, địa phương. Trong đó, có 15.876 nhiệm vụ đã hoàn thành (đúng hạn: 13.458, quá hạn: 2.418); 10.829 nhiệm vụ chưa hoàn thành (trong hạn: 10.440, quá hạn: 389 - chiếm 2,4%, giảm 2,3% so với tháng trước).

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong tháng 4/2018, Tổ công tác của Thủ tướng đã kiểm tra Bộ Tài chính và Tổng công ty công nghiệp xi măng Việt Nam trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao và việc rà soát, xây dựng phương án đơn giản hóa, cắt giảm, bãi bỏ điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý nhằm tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Trên cơ sở kết quả kiểm tra tại các Bộ, cơ quan, Tổ công tác kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị được kiểm tra trong tháng 4 và các Bộ, cơ quan liên quan triển khai một số nhiệm vụ. Thủ tướng đồng ý với các kiến nghị này và yêu cầu các bộ, ngành có kế hoạch cụ thể cắt giảm thủ tục hành chính, cắt giảm các rào cản để tiết kiệm chi phí, thời gian cho người dân, doanh nghiệp, ứng dụng mạnh công nghệ thông tin để quyết liệt xây dựng Chính phủ hiện đại, hành động, kiến tạo, đổi mới sáng tạo.

                                                                                                                                                                 BBT

Bài liên quan

Tin mới

KEIDANREN coi Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng nhất
KEIDANREN coi Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng nhất

Nhật Bản tiếp tục duy trì là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là đối tác thứ nhất về cung cấp vốn vay ODA; thứ hai về lao động; thứ ba về đầu tư và thứ tư về thương mại.

Xuất hiện mưa đá ở Sơn La, rau màu dập nát, mận hậu Mộc Châu rụng la liệt mặt đất
Xuất hiện mưa đá ở Sơn La, rau màu dập nát, mận hậu Mộc Châu rụng la liệt mặt đất

Chiều ngày 28/3, tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La đã xảy ra mưa đá trên diện rộng kèm theo gió mạnh, gây thiệt hại đến hoa màu của nông dân. Nhiều vườn mận hậu ở Mộc Châu, quả non rụng la liệt trên mặt đất, lẫn với những viên đá to.

Khai trương Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính quận Dương Kinh
Khai trương Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính quận Dương Kinh

Ngày 28/3, tại Trung tâm Hành chính quận Dương Kinh, UBND quận Dương Kinh (TP. Hải Phòng) tổ chức khai trương Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính quận. Tham dự chương trình có các đồng chí: Đào Văn Ninh, Bí thư Quận uỷ; Nguyễn Minh Phương, Phó Bí thư Quận uỷ, Chủ tịch UBND quận; Vũ Bình Dương, Phó Bí thư Thường trực Quận uỷ, Chủ tịch HĐND quận; cùng các đồng chí lãnh đạo, cán bộ quận và các phường trên địa bàn.

Triển khai thực hiện Kết luận số 01-KL/TW và Nghị quyết số 847-NQ/QUTW bằng nhiều nội dung, giải pháp sáng tạo
Triển khai thực hiện Kết luận số 01-KL/TW và Nghị quyết số 847-NQ/QUTW bằng nhiều nội dung, giải pháp sáng tạo

Ngày 28/3, Đảng ủy Bộ đội Biên phòng TP. Hải P tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XIII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; 2 năm thực hiện Nghị quyết số 847-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới (2021-2023).

UIM F1H2O World Championship Grand Prix of Binh Dinh 2024 sẵn sàng cho ngày khai mạc
UIM F1H2O World Championship Grand Prix of Binh Dinh 2024 sẵn sàng cho ngày khai mạc

Ngày 28/3, tại Trung tâm Báo chí Tocepo Đầm Thị Nại, đường Đống Đa, TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định diễn ra buổi họp báo công bố Giải đua vô địch thế giới thuyền máy nhà nghề (UIM F1H2O World Championship Grand Prix of Binh Dinh). Đây là Giải đua vô địch thế giới thuyền máy nhà nghề lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam.

Bộ Công Thương ban hành Công điện thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử đối với kinh doanh xăng dầu
Bộ Công Thương ban hành Công điện thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử đối với kinh doanh xăng dầu

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa ký ban hành Công điện gửi Tổng cục Quản lý thị trường và các Cục Quản lý thị trường tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.