Ảnh minh họaẢnh minh họa

Chính phủ yêu cầu Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ TT&TT, các địa phương hướng dẫn phù hợp việc sử dụng điện thoại di động và thiết bị công nghệ phục vụ học tập với học sinh, đảm bảo sử dụng đúng mục đích, hiệu quả.

Trước đó, vào tháng 9/2020, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT ban hành Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học. Trong đó, thay vì cấm học sinh sử dụng điện thoại di động trong lớp học như trước, trong Thông tư mới, Bộ GD&ĐT cho phép học sinh sử dụng điện thoại.

Tuy nhiên, quy định này mới chỉ đưa ra 1 dòng chung chung tại điều 37 các hành vi học sinh không được làm: “Sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép”.

Quy định này lập tức gây tranh cãi, trong đó nhiều ý kiến cho rằng, việc Bộ GD&ĐT cho phép học sinh mang điện thoại và thiết bị điện tử vào trường học sẽ khó kiểm soát được các em dùng việc gì. Lớp học đông, giáo viên không quản lý được, học sinh có thể sa đà chơi điện tử,… từ đó sao nhãng việc học.

Trước nhiều ý kiến trái chiều khi Thông tư ban hành, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cho hay, Bộ GD&ĐT không cấm dùng điện thoại trong lớp nhằm giúp học sinh có công cụ để tìm kiếm những nguồn học liệu trên mạng khi được sự cho phép của giáo viên. Như vậy, quy định cho dùng điện thoại không có nghĩa là các em được dùng một cách thoải mái, không có sự kiểm soát.

Cùng với yêu cầu trên, Chính phủ cũng đề nghị Bộ Y tế nghiên cứu, xây dựng chính sách và mức hỗ trợ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 16 tuổi theo Luật trẻ em, đặc biệt là trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ.

Đối với các giải pháp khác để thực hiện mục tiêu kinh tế - xã hội và phòng chống dịch COVID-19, Chính phủ yêu cầu cần kiên trì thực hiện mục tiêu kép, ưu tiên bảo vệ sức khỏe người dân, kiểm soát và phòng chống dịch bệnh hiệu quả.

Tập trung vào đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội; phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài, điều hành chính sách tín dụng, tiền tệ chủ động linh hoạt; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tận dụng hiệu quả các FTA, đưa hàng nông thôn ra thành thị, kích cầu tiêu dùng nội địa…

Đối với việc ứng phó, khắc phục hậu quả lũ lụt miền Trung, Chính phủ yêu cầu các bộ ngành liên quan chủ động giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cùng địa phương hỗ trợ người dân sửa chữa nhà cửa, phục hồi sản xuất, không để người dân thiếu đói, không có tết, tạo sinh kế trên cơ sở dành nguồn lực vốn…

Linh Tuệ