Tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2019 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, Chính phủ đã xác định năm 2019 là năm bứt phá để hoàn thành kế hoạch 5 năm 2016-2020 với mục tiêu tổng quát là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế và tinh thần phấn đấu năm 2019 khá hơn năm 2018 về mọi phương diện.
Để thực hiện được yêu cầu này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu trong năm 2019 Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế cần tập trung quán triệt và thực hiện quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ và các Chương trình hành động của ngành tài chính thực hiện 2 Nghị quyết trên; Chiến lược phát triển ngành Thuế giai đoạn 2011-2020; Kế hoạch cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2016-2020 với phương châm "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả".
Theo đó, tiếp tục cải cách, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về thuế, trong đó cần lắng nghe, cầu thị, tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp đối với Dự án Luật sửa đổi Luật Quản lý thuế của các đại biểu Quốc hội, các hiệp hội, các nhà khoa học, các đối tượng chịu sự điều chỉnh của Dự án Luật để khắc phục những bất cập, vướng mắc hiện hành, hướng tới quản lý thuế trên cơ sở đánh giá rủi ro, giải quyết được các mối quan hệ giữa các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước trong việc quản lý thuế phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, không chồng chéo, gây phiền hà, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người nộp thuế, xử lý được tình trạng nợ đọng thuế hiện nay, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả ngành thuế theo hướng hiện đại, tiếp cận với thông lệ quốc tế. Trên cơ sở đó, chủ động phối hợp với các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan liên quan để hoàn thiện và trình Quốc hội xem xét thông qua Dự án Luật sửa đổi Luật Quản lý thuế.
Đồng thời, rà soát, tham mưu cho Chính phủ trong việc sửa đổi, hoàn thiện các luật về chính sách thuế hiện hành, bảo đảm bám sát Chiến lược phát triển ngành Thuế giai đoạn 2011-2020, Kế hoạch cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2016-2020, Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, phù hợp với thông lệ quốc tế và phản ánh đúng bản chất các loại thuế.
Phó Thủ tướng yêu cầu phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý I/2019 về thực trạng hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, trong đó báo cáo rõ tình hình tài chính, kết quả kinh doanh của các DN FDI và các ưu đãi về thuế hiện hành mà các DN này đang được hưởng.
Trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp để xử lý các nội dung khác nhau giữa các quy định pháp luật hiện hành về thuế và đầu tư, thực hiện kiểm tra, giám sát tình trạng chuyển giá ngay từ khâu cấp phép đầu tư, bảo đảm đối xử bình đẳng giữa các DN trong nước và các DN FDI, góp phần đẩy mạnh và thu hút chọn lọc, có hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài trong tình hình mới theo hướng ưu tiên các dự án công nghệ cao, thân thiện môi trường, tiềm năng đóng góp, lan tỏa, chuyển giao công nghệ, liên kết với DN trong nước để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Về công tác quản lý, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế phải rà soát để giao chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước tích cực hơn để tạo động lực và áp lực trách nhiệm đối với các Bộ, ngành, địa phương, nhất là ở một số địa bàn có dư địa để tăng thu; xây dựng và triển khai Đề án mở rộng cơ sở thuế và chống xói mòn nguồn thu ngân sách Nhà nước.
Triển khai tích cực Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12/9/2018 của Chính phủ về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, bảo đảm hoàn thành áp dụng hóa đơn điện tử trong năm 2019 ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị lớn; nghiên cứu, đề xuất và thực hiện các giải pháp để hình thành văn hóa hóa đơn tại các lĩnh vực kinh tế tư nhân như hộ kinh doanh, dịch vụ ăn uống, ....
Cùng với đó là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chống thất thu thuế trên cơ sở đánh giá rủi ro về thuế của DN, giảm thiểu tối đa các đoàn thanh tra, kiểm tra, tránh gây phiền hà cho DN; giảm bớt phạm vi và tỷ lệ quản lý thuế theo phương pháp khoán; rà soát và xác định lại các mức thuế khoán để phù hợp với tình hình thực tế.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, hiện đại hóa phương thức quản lý thuế tiết giảm hơn nữa thời gian thực hiện các thủ tục hành chính thuế, tạo môi trường bình đẳng, thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ DN phát triển; chủ động báo cáo về thực trạng DN và đề xuất các giải pháp để nuôi dưỡng nguồn thu cho ngân sách nhà nước; Phấn đấu tăng thứ hạng nộp thuế trong Báo cáo môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới 7-9 bậc trong năm 2019 và 30-40 bậc đến năm 2021, hướng tới mục tiêu giảm thời gian nộp thuế ngang bằng với các nước OECD; Phối hợp với Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xuất bản Sách trắng DN Việt Nam.
Nâng cao chất lượng nhân lực ngành Thuế, chú trọng giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, công chức thuế, đảm bảo tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật, quy chế, kỷ luật trong thực thi công vụ; thực hiện nghiêm các quy định về công tác cán bộ, đảm bảo đúng quy định, công khai, minh bạch.
Kiện toàn, sắp xếp, tổ chức lại bộ máy ngành Thuế theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 Khóa XII; đưa ra các tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức thuế trong thực hiện nhiệm vụ được giao ở từng cấp, từng đơn vị; đẩy mạnh đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học cho đội ngũ cán bộ thuế; xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong toàn ngành Thuế theo Nghị quyết Trung ương 4, chống tiêu cực, tham nhũng, nhất là trong thanh tra, kiểm tra thuế; xử lý nghiêm cán bộ, công chức thuế tham nhũng, tiêu cực trong thực thi công vụ.
Quốc Gia