“Chống dịch như chống giặc”
Ở vùng “đầu chiến tuyến” đó là những y bác sỹ, nhân viên y tế quên mình chăm sóc bệnh nhân nhiễm Covid-19 phải điều trị trong tình trạng cách ly nghiêm ngặt.
Hơn 1 tháng qua, những người làm công tác y tế dự phòng, nhiều y bác sỹ các BV trong cả nước không có ngày nghỉ. Hàng nghìn người phải cách ly khi đi về từ tâm dịch bệnh bên Trung Quốc cũng cần có sự chăm sóc của các y bác sỹ. Đó thực sự là một “cuộc chiến” lớn. Áp lực chồng áp lực, khi đây là nơi nhân dân cả nước đang nhìn vào, hy vọng...Lương y như từ mẫu
Cục trưởng Cục Quản lý KCB (Bộ Y tế) PGS. TS. Lương Ngọc Khuê cho biết: Đến nay, trên thế giới chưa có thuốc điều trị đặc hiệu căn bệnh do virus corona gây ra. Phác đồ điều trị của các bác sỹ Việt Nam, chủ yếu là điều trị theo triệu chứng. Để ứng phó với dịch bệnh, ngành y tế đã họp hội đồng chuyên môn với các giáo sư đầu ngành. Với căn bệnh này, nhận thấy có những đặc thù với bệnh SARS trước kia và bệnh dịch mới nổi hiện nay nên Việt Nam có hướng dẫn điều trị cập nhật ngay từ những ngày trước Tết. Sau đó, Việt Nam tiếp tục tập huấn triển khai một cách quyết liệt các phác đồ hướng dẫn điều trị cho các bệnh viện.
Hiện Bộ Y tế vẫn tiếp tục phân tuyến điều trị Covid-19. Với những bệnh nhân có triệu chứng không nặng, thì giữ ở tuyến tỉnh điều trị. Các tỉnh Thanh Hóa, Khánh Hòa đã giữ bệnh nhân điều trị tại tỉnh và đã thành công khi điều trị khỏi cho bệnh nhân. Tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã điều trị khỏi bệnh nhân Covid-19 ngay tại tuyến huyện. Việc phân tuyến điều trị bệnh nhân Covid-19 tại các BV của Bộ Y tế như hiện nay là hợp lý, hiệu quả.
“Ngay sau khi điều trị khỏi cho 3 bệnh nhân ra viện tại BV Chợ Rẫy, BV Bệnh Nhiệt đới Khánh Hòa và BVĐK tỉnh Thanh Hóa, chúng tôi tiếp tục cập nhật phác đồ điều trị một lần nữa, đưa ra những chiến lược điều trị cụ thể từ hướng dẫn đón tiếp ban đầu, cách ly người bệnh đến sử dụng thuốc, dịch truyền và phương tiện cấp cứu cần thiết nhất cho bệnh nhân nặng bằng phương tiện hiện đại nhất...”, TS Khuê chia sẻ.
Cùng với sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ”, những kết quả trên đã chứng tỏ việc triển khai các biện pháp phòng & chữa bệnh dịch Covid-19 là cần thiết và đúng đắn. Khi dịch Covid-19 đang “hoành hành” tại Vĩnh Phúc, thì 161 y bác sỹ được tăng cường về cơ sở để đối phó, nơi có nhiều bệnh nhân bị lây nhiễm nhất tại Việt Nam. Điều này, thể hiện tinh thần đoàn kết, một lòng chung tay vì đất nước của các y bác sỹ cùng các ban, ngành.
Đến ngày 22/2, tổng 16 bệnh nhân của Việt Nam mắc virus Covid-19 đều đã khỏe mạnh - có thể nói đó là một thành công của cả hệ thống chính trị, chung tay đẩy lùi căn bệnh, còn là “cuộc chiến đấu” không ngừng nghỉ của ngành Y tế.
Niềm vui của y bác sỹ
Bệnh nhân N.T.N (29 tuổi, quê xã Sơn Lôi, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) chia sẻ:“Ngày đầu nhận kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19, tôi như ù hết 2 bên tai. Tinh thần suy sụp hoàn toàn. Bởi tôi nghĩ, con số tử vong ở Trung Quốc do Covid-19 chưa dừng lại, thì tôi sẽ được cứu chữa như thế nào đây?
Ngay sau đó, tôi được chuyển xuống Phòng khám đa khoa khu vực Quang Hà để cách ly, điều trị. Trong lúc tinh thần suy sụp nhất, thì tôi đã nhận được sự quan tâm của các y bác sỹ. Từ miếng ăn, giấc ngủ, đến suy nghĩ, tôi đều nhận được sự sẻ chia… Thời gian qua, các y bác sỹ không chỉ điều trị, mà còn làm lành cả những vết thương trong suy nghĩ, tâm hồn người bệnh để chúng tôi có một thể trạng, một tinh thần “thép” sớm đẩy lùi dịch Covid-19”.
Bệnh nhân T.K.H (73 tuổi, Việt kiều Mỹ) bước ra khỏi phòng cách ly Khoa nhiễm D, BV Bệnh nhiệt đới TP. HCM lúc 14h35 ngày 21/2 cảm động: “Tôi về Việt Nam ăn Tết, không may mắc Covid-19 khi quá cảnh tại sân bay Vũ Hán (Trung Quốc). Tôi cảm ơn các y bác sỹ ở đây, những người đã cứu tôi từ cõi chết trở về”...
Chúng ta được thấy những hình ảnh đẹp hơn bao giờ hết, những “thiên thần áo trắng” ngày đêm quyết tâm tìm ra hướng điều trị cho bệnh nhân, đưa Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên dập được dịch Covid-19. Đã có những y bác sỹ tự nguyện ra mặt trận, cùng đồng nghiệp tuyên chiến với dịch. Khó có thể nói hết những khó khăn, nguy hiểm các y bác sỹ, nhân viên y tế đã đối mặt. Song có lẽ, ai cũng hiểu họ đã làm với tất cả trách nhiệm và tinh thần “Lương y như từ mẫu” - đáng được ghi nhận.
PGS. TS. Lương Ngọc Khuê nói: “Chúng tôi mong người dân cả nước hãy yên tâm. Dịch Covid-19 có thể chữa khỏi, không chỉ ở tuyến đầu, mà cả ở những tuyến địa phương”.
Giữa cơn lốc dịch nghiệt ngã, những tấm lòng cao cả của lương tri vẫn được thắp sáng hơn bao giờ hết. Tuy thầm lặng và phải đối đầu với nhiều nguy hiểm, thì ánh sáng đó vẫn được lan tỏa và đang nuôi hy vọng cho những bệnh nhân và người dân cả nước luôn hướng về.
Trang Nguyễn