THCL Công tác đấu tranh, phát hiện, bắt giữ và xử lý các vụ án về sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ… hiện nay gặp rất nhiều khó khăn. Vậy nguyên nhân do đâu?

Cơ quan chức năng kiểm tra hàng hóa tại các cửa hàng

Tội phạm  ngày càng phức tạp

BCĐ389/QG cho biết, trong năm 2014 và 5 tháng đầu năm 2015, các lực lượng chức năng thuộc BCĐ389 các tỉnh, thành phố đã thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý 2.113 vụ việc vi phạm: Sở hữu trí tuệ 287 vụ, hàng giả 877 vụ, hàng kém chất lượng 949 vụ; thu nộp NSNN khoảng 236,559 tỷ đồng; khởi tố 75 vụ án hình sự với 109 đối tượng.

Các sản phẩm bị làm giả thường là của các hãng nổi tiếng; các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như bột giặt, kem đánh răng, dầu gội, sữa tắm… là những mặt hàng được các đối tượng đặc biệt quan tâm làm giả, vì dễ tiêu thụ.

Qua thực tiễn đấu tranh với việc sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái cho thấy phần lớn các đối tượng đều đặt sản phẩm và nhãn mác giả ở Trung Quốc, rồi nhập lậu vào nội địa qua các lối mòn, lối mở tại các tỉnh biên giới. Trong quá trình vận chuyển từ biên giới về, các đối tượng thường xé lẻ sản phẩm đi riêng, nhãn mác giả đi riêng; hàng hóa tập kết về kho là các địa điểm hẻo lánh, ít người qua lại. Khi tìm được nơi tiêu thụ, các đối tượng mới cho dán mác, hoàn thiện sản phẩm để tiêu thụ. Điều này khiến cho các cơ quan chức năng có bắt được đối tượng, cũng rất khó xử lý. Đáng chú ý, các đối tượng đặt cả tem chống giả giống hệt sản phẩm chính hãng để dán lên sản phẩm nhằm lừa dối khách hàng, thu lợi bất chính.

Dù các cơ quan chức năng đã áp dụng nhiều biện pháp quyết liệt, song nhóm tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, xâm phạm sở hữu trí tuệ không những không giảm, mà còn có dấu hiệu gia tăng, số vụ việc bị phát hiện ngày càng nhiều… Trong rất nhiều nguyên nhân, có nguyên nhân do chế tài còn nhẹ, nhiều bất cập, vướng mắc. Ví dụ như, cùng là hành vi kinh doanh hàng nhập lậu, theo điều 17, Nghị định số 185/2013/NĐ-CP phạt tiền đối với cá nhân cao nhất là từ 40 - 50 triệu đồng; trong khi theo điều 51 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP thì mức phạt tiền chỉ từ 10 - 20 triệu đồng?

Doanh nghiệp không thể thờ ơ!

Cuộc chiến chống tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, xâm phạm sở hữu trí tuệ gặp nhiều khó khăn bởi thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi hơn.

Vì vậy, để bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ các DN làm ăn chân chính, các thương hiệu chính hãng, không chỉ có các cơ quan chức năng như hải quan, quản lý thị trường, công an… vào cuộc, mà cần phải có sự tham gia tích cực của toàn xã hội, trong đó có các DN. Khi bị làm giả, làm nhái, xâm phạm sở hữu trí tuệ…, nhiều DN ngại lên tiếng vì sợ mất khách hàng. Suy nghĩ như vậy là chính DN đang tự làm hại mình, vô hình chung tạo điều kiện cho một số đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái lộng hành.

Các cơ quan quản lý nhà nước, bằng nhiều hình thức cần tuyên truyền thường xuyên, liên tục đến người tiêu dùng về sự nguy hại của hàng giả, hàng nhái. Lực lượng cảnh sát kinh tế cần triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để chủ động phát hiện các đường dây, ổ nhóm chuyên sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm sở hữu công nghiệp; thường xuyên tổ chức trao đổi, rút kinh nghiệm và phổ biến trong toàn lực lượng để nắm vững thủ đoạn của các đối tượng này, từ đó, chủ động công tác phòng ngừa, đấu tranh.

Việc phối hợp với các cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ là rất quan trọng. Trong thực tiễn, nhiều vụ việc ban đầu chỉ xác định là các vi phạm hành chính, vì vậy, lực lượng cảnh sát kinh tế cần thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng hoặc có liên quan để có tài liệu chứng cứ làm căn cứ khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với các loại tội phạm này. Một khi có sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên sẽ giúp cơ quan chức năng nhanh chóng xử lý các nghiệp vụ như giám định chất lượng, giám định về sở hữu trí tuệ…

Đại tá, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát kinh tế (Bộ Công an) Giang Văn Chiến