Phó cục trưởng Trần Việt Hùng
Phó cục trưởng Cục QLTT Hà Nội Trần Việt Hùng

Xin Phó cục trưởng chia sẻ khái quát về tình hình buôn lậu, GLTM và hàng giả năm 2022?

Trong 11 tháng 2022, trên địa bàn Thành phố tình hình buôn bán, sản xuất, vận chuyển trái phép các loại hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, hàng hết hạn sử dụng, hàng vi phạm về ATTP và các hành vi GLTM khác vẫn còn diễn ra phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhóm hàng.

Hàng hóa nhập lậu chủ yếu là các mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu thụ cao như: Rượu, bia, thuốc lá, quần áo, giày dép, mỹ phẩm, thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, đồ điện tử, điện lạnh, điện thoại di động, thực phẩm.

Các đối tượng vi phạm dùng nhiều thủ đoạn để đối phó, gây khó khăn cho lực lượng chức năng như lợi dụng việc các doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử để vận chuyển hàng hóa không có hóa đơn chứng từ, nếu không bị kiểm tra thì không xuất hóa đơn, nếu bị kiểm tra thì mới xuất hóa đơn để đối phó.

Hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tập trung ở một số chủng loại, mẫu mã, sử dụng nhãn mác, bao bì của các doanh nghiệp có uy tín; giả mạo các nhãn hiệu được bảo hộ tại Việt Nam. Phổ biến là các mặt hàng đồ thời trang, mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng…

Các hoạt động kinh doanh hàng hóa dịch vụ liên quan đến vệ sinh ATTP trên địa bàn Thành phố nhìn chung đã chấp hành các quy định về điều kiện ATTP trong hoạt động kinh doanh, tuy nhiên vẫn còn một số đối tượng do thiếu hiểu biết hoặc chưa chú trọng việc bảo đảm các quy định về ATTP nên vẫn còn tình trạng sử dụng thực phẩm, nguyên liệu hết hạn, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng.

Đặc biệt, hiện nay các đối tượng lợi dụng hoạt động thương mại điện tử, các trang mạng xã hội để quảng cáo, giới thiệu hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng… rồi gửi qua các đơn vị dịch vụ bưu chính chuyển phát nhanh nên gây khó khăn trong công tác kiểm tra, phát hiện của các lực lượng chức năng.

2, Phó cục trưởng Trần Việt Hùng chia sẻ với PV TH&CL
Phó cục trưởng Trần Việt Hùng chia sẻ với PV TH&CL

Vậy, theo ông đâu là nguyên nhân vấn nạn hàng giả, hàng nhái vẫn diễn biến phức tạp, khó lường?

Công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ luôn được Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương và các lực lượng chức năng đặc biệt quan tâm, ban hành nhiều kế hoạch kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm, đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần ổn định thị trường hàng hóa, tạo niềm tin đối với các nhà sản xuất, kinh doanh làm ăn chân chính và người tiêu dùng. Tuy vậy, hiện nay, thực trạng này vẫn còn diễn biến phức tạp, thủ đoạn tinh vi, khó lường. Nguyên nhân là do.

Thủ đoạn kinh doanh hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ ngày càng tinh vi phức tạp; hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử, dịch vụ chuyển phát nhanh tại các khu chung cư cao tầng vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát của lực lượng thực thi.

Hệ thống văn bản, chính sách pháp luật đang tiếp tục hoàn thiện, một số Nghị định chưa có sự thống nhất trong áp dụng xử lý cũng như xác định hành vi vi phạm dẫn đến lúng túng cho các lực lượng chức năng trong công tác thực thi pháp luật.

Việc chia sẻ, trao đổi thông tin giữa các lực lượng chức năng còn hạn chế, chưa tạo sự đồng thuận trong phối hợp của các ngành chức năng trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, GLTM và hàng giả.

Kinh phí phục vụ trong công tác điều tra, xác minh, giám định, xử lý các vụ việc buôn lậu, GLTM và hàng giả của các cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn dẫn đến việc kéo dài thời gian xử lý vụ việc.

Lực lượng trực tiếp đấu tranh chống buôn lậu cũng như trang thiết bị, phương tiện còn mỏng và thiếu so với thực tế tình hình hoạt động buôn lậu, hàng giả và GLTM ngày càng tinh vi, phức tạp.

3, lực lượng QLTT Hà Nội kiểm tra hàng hóa
Lực lượng QLTT Hà Nội kiểm tra hàng hóa

Cục QLTT Hà Nội đã banh hành Kế hoạch số 16/KH-QLTTHN về triển khai công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường các tháng cuối năm 2022, dịp Tết Dương lịch; trước, trong và sau Tết Nguyên đán Qúy Mão năm 2023, đơn vị kỳ vọng gì về kết quả của kế hoạch này, thưa ông?

Kế hoạch số 16/KH-QLTTHN tập trung kiểm tra, kiểm soát, xử lý có trọng tâm, trọng điểm các đối tượng kinh doanh, hoạt động có tổ chức tập kết, vận chuyển hàng cấm, hàng hóa nhập lậu, GLTM, chú trọng đấu tranh các mặt hàng thuốc lá nhập lậu (xì gà, thuốc lá điện tử), pháo nổ, đồ chơi ảnh hưởng tới sức khỏe và nhân cách trẻ em; thịt và các sản phẩm chế biến từ thịt gia súc gia cầm nhập lậu; quần áo thời trang may sẵn, vải; hàng điện tử điện lạnh, đồ điện gia dụng; thực phẩm bánh kẹo rượu, bia, nước giải khát nhập lậu, xăng dầu, thuốc tân dược, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, các nguyên liệu, phụ gia nhập lậu vi phạm ATTP dùng để sản xuất chế biến hàng công nghiệp thực phẩm có nhu cầu tiêu dùng cao trong các dịp lễ, Tết.

Cục chủ động phối hợp kiểm tra các điểm tập kết, kho hàng tại địa bàn các quận, huyện: Thanh Trì, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Gia Lâm, Long Biên... và trên các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt từ các tỉnh phía Bắc, miền Trung, phía Nam ra Hà Nội tiêu thụ và ngược lại; hoạt động vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp giao nhận, chuyển phát nhanh, tăng cường chống buôn lậu, hàng cấm tại cảng hàng không sân bay quốc tế Nội Bài.

Cục QLTT Hà Nội -Cơ quan thường trực BCĐ 389 Thành phố: Tham mưu cho lãnh đạo BCĐ 389 Thành phố chỉ đạo các sở, ngành thành viên, BCĐ 389 các quận, huyện, thị xã tăng cường các biện pháp phòng, chống sản xuất, vận chuyển, mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép các loại pháo trên địa bàn dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Qúy Mão 2023.

Đơn vị tiếp tục vận động các tổ chức, cá nhân, hộ kinh doanh ký cam kết không sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ và đốt pháo nổ trên địa bàn; phối hợp các cơ quan báo chí trung ương và Hà Nội đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về công tác đấu tranh, xử lý vi phạm của lực lượng chức năng…

Chỉ sau 1 tháng triển khai kế hoạch, hàng trăm vụ việc vi phạm đã được lực lượng QLTT Hà Nội phát hiện và xử lý kịp thời.

Để đấu tranh, Cục tiếp tục tăng cường kiểm tra các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp Tết Nguyên đán, như: Hàng điện tử, điện lạnh, quần áo, giày dép, bánh kẹo, pháo các loại, thực phẩm, hoa quả, rượu bia, thuốc lá, xì gà, nước giải khát, động vật và sản phẩm chế biến từ động vật, xăng dầu; chú trọng kiểm tra, xử lý nghiêm việc kinh doanh hàng hóa không đảm bảo ATTP, đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, gây bất ổn thị trường.

Đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; phối hợp truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng để công khai các cơ sở, hành vi vi phạm; tiếp tục tổ chức ký cam kết với các cơ sở “không sản xuất, kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ”. Tăng cường kiểm tra đối với những cơ sở kinh đoanh đã ký cam kết và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm nhằm phục vụ mục tiêu chung trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, GLTM, đặc biệt là vào dịp Tết 2023, góp phần ổn định thị trường hàng hóa dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính, đảm bảo an ninh trật tự thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và của đất nước.

Trân trọng cảm ơn Phó cục trưởng!

Nguyễn Kiên (Thực hiện)