Cú đúp giải thưởng toàn cầu
Ngày 2/10/2023, Hội đồng Nobel của Thụy Điển công bố giải Nobel Y sinh năm 2023 thuộc về hai nhà khoa học Katalin Kariko, nữ giáo sư chuyên ngành hóa sinh - sinh học phân tử người Hungary và Drew Weissman, nhà khoa học người Mỹ với công trình nghiên cứu về công nghệ mRNA trong sản xuất vaccine ngừa Covid-19.
Được công bố năm 2005, khám phá của GS. Kariko và TS. Weissman mở đường cho sự ra đời của vaccine Pfizer và Moderna ngừa Covid-19. Nghiên cứu mang tính đột phá này cũng cho thấy tiềm năng vượt trội trong việc phát triển các loại thuốc mới chống lại các loại bệnh khác như HIV, ung thư, tự miễn và bệnh di truyền.
Ban đầu, giới khoa học đã không thực sự quan tâm đến công trình mới mang tính đột phá này. Tuy nhiên, từ cuối năm 2019 khi Covid-19 xuất hiện và trở thành một trong những thảm họa sức khỏe nghiêm trọng nhất trên toàn cầu trong nhiều chục năm qua, mRNA trở thành tia hy vọng, giúp quá trình phát triển vaccine diễn ra với tốc độ kỷ lục, cứu sống hàng tỷ người.
Cộng đồng khoa học quốc tế đã không còn xa lạ với cái tên Kariko và Weissman bởi giữa lúc đại dịch Covid-19 đang phủ bóng đen toàn cầu, công trình nghiên cứu của họ đã được VinFuture xướng tên với Giải thưởng Chính trị giá 3 triệu USD.
Mặc dù đã được vinh danh bởi nhiều giải thưởng quốc tế lớn, Giải thưởng VinFuture vẫn có vị trí đặc biệt đối với TS. Karikó. Trong một chia sẻ vào cuối tháng 6/2023, bà nhấn mạnh tầm quan trọng của việc có những giải thưởng khoa học đến từ các quốc gia đang phát triển, đặc biệt là những giải thưởng có uy tín, vì sẽ thu hút sự chú ý không chỉ ở trong nước mà còn trên phạm vi toàn cầu.
“Điều này thể hiện tầm nhìn của những nhà sáng lập về khả năng thay đổi thế giới của các phát minh khoa học, công nghệ. VinFuture đã giúp nâng cao hình ảnh và vị thế của Việt Nam trên bản đồ khoa học quốc tế”, “mẹ đẻ” của vaccine mRNA đánh giá.
Tầm nhìn và tầm vóc của giải thưởng VinFuture
Là một trong những chuyên gia đồng hành cùng VinFuture ngay từ khi giải thưởng được công bố, năm 2020, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, cho biết bà rất vui mừng và tự hào khi biết tin 2 chủ nhân của Giải thưởng Chính VinFuture mùa đầu tiên chiến thắng thêm giải Nobel năm 2023.
Với lịch sử lâu đời, Nobel vẫn được xem là một trong những giải thưởng cao quý nhất với giới khoa học toàn cầu. Lần này, giải Nobel Y sinh 2023 được trao cho 2 nhà khoa học trước đó đã được VinFuture trao giải cao nhất trong mùa đầu tiên, là minh chứng cho thấy VinFuture đã đặt mục tiêu rất đúng khi chọn lựa và trao giải cho những nhà khoa học có thành tựu đột phá, đóng góp vào cuộc sống của hàng triệu người trên trái đất. Điều đáng nói hơn là VinFuture đã trao giải cho GS. Kariko và TS. Weissman ngay từ năm 2021, khi Covid-19 mới được tạm khống chế trên toàn cầu và khi thế giới còn chưa đánh giá toàn diện được đóng góp mang tính thời đại của nghiên cứu này vào thời điểm đại dịch đang cam go nhất.
“Việc quyết định trao giải cho GS. Kariko và TS. Weissman cho thấy tầm nhìn của VinFuture. Đặc biệt, giải thưởng lúc đó nhận được sự đồng thuận, đánh giá cao của cộng đồng khoa học trên thế giới cũng như những người theo dõi giải thưởng. Ngay trong mùa đầu tiên, giải thưởng VinFuture đã được trao cho những nhà khoa học toàn toàn xứng đứng. Hai năm sau, Nobel tiếp tục trao giải cho 2 nhà khoa học, cho thấy, Nobel càng khẳng định sự đúng đắn của VinFuture khi chọn những nhân vật xuất sắc. Sự tiên phong của VinFuture còn cho thấy các tiêu chí đánh giá rất sát, kịp thời và thiết thực với thời đại ngày nay”, chuyên gia Phạm Chi Lan đánh giá.
Cũng theo chuyên gia Phạm Chi Lan, tính cập nhật tạo nên sự khác biệt của VinFuture so với Nobel hay các giải thưởng danh giá khác, giúp VinFuture mang đầy hơi thở cuộc sống của thế giới đương đại.
“Tính tiên phong trong cách tiếp cận, trao giải cho những nhà khoa học có đóng góp cho cuộc sống của nhân loại thể hiện sự khác biệt của VinFuture, nhất là trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức hiện nay. Điều này có tác động cổ vũ kịp thời cộng đồng nghiên cứu khi tạo ra những phát minh, sáng chế có ý nghĩa thiết thực với cả nhân loại”, nữ chuyên gia phân tích.
Từ Nhật Bản, GS. Trần Văn Thọ, giáo sư danh dự tại Đại học Waseda, Tokyo, Nhật Bản, nguyên thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cũng cho biết, ông rất vui khi một tổ chức giải thưởng của Việt Nam đã đi trước thế giới một bước khi có khả năng lựa chọn, đánh giá và tôn vinh các công trình nghiên cứu có đóng góp to lớn cho nhân loại ngay từ 2 năm trước.
“Điều này cho thấy VinFuture đã phần nào có vai trò quan trọng trong việc đánh giá và thúc đẩy nghiên cứu trong lĩnh vực Khoa học Công nghệ toàn cầu, góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên thế giới”, GS. Trần Văn Thọ nhận xét.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, đánh giá, cú đúp giải thưởng của công trình nghiên cứu về vaccine mRNA ngừa Covid-19 cho thấy giá trị và tầm vóc toàn cầu của VinFuture, sánh ngang với các giải thưởng lâu đời như Nobel.
“Công trình nghiên cứu của GS. Kariko và TS. Weissman từng nhiều năm không được giới khoa học quan tâm và chỉ thực sự nổi lên khi Covid-19 xuất hiện. Khi thế giới còn chưa nhìn nhận được đầy đủ về đóng góp đột phá của nghiên cứu này với nhân loại thì VinFuture đã vinh danh, điều này càng khẳng định tính tiên phong và tầm vóc của giải thưởng”, TS. Nguyễn Sĩ Dũng nhấn mạnh.
Anh Đức