Một tàu chở dầu của Âu Lạc Corp
Một tàu chở dầu của Âu Lạc Corp.

Ngày 8/1/2019, tàu chở dầu Aulac Fortune cháy lớn ở ngoài khơi Hong Kong, Trung Quốc. Vụ nổ xảy ra trên ba khoang hàng khi đang tiếp nhiên liệu từ một sà lan chở dầu, khiến tàu Aulac Fortune nghiêng hẳn sang một bên. Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Hong Kong và Ma Cau xác nhận một trong số 25 người Việt trên tàu đã thiệt mạng, hai người mất tích, ba người bị thương và 19 người an toàn.

Aulac Fortune là chiếc tàu chở dầu có tuổi đời "trẻ" nhất của CTCP Âu Lạc (TP.HCM), được đóng năm 2010 tại Hàn Quốc. Một vài thông số kỹ thuật chính là chiều dài 144m, chiều rộng 22,6m, chiều sâu 12,5m, tổng dung tích 11.290 GT (31.612 m3), dung tích thuần 5.263 NT.

7 chiếc tàu còn lại của Âu Lạc Corp chủ yếu được tiếp nhận trong giai đoạn 2007-2008, ngoại trừ chiếc Aulac Dragon được đóng năm 2003 tại Trung Quốc.

Đội tàu 8 chiếc với tổng dung tích hơn 63.000 GT (gần 180 nghìn M3) giúp Âu Lạc Corp trở thành một trong những nhà vận tải xăng dầu lớn nhất tại TP.HCM.

Tới cuối tháng 9/2018, tổng tài sản của Âu Lạc Corp là 1.610 tỷ đồng, chủ yếu là tài sản cố định (đội tàu) với giá trị còn lại là 1.157 tỷ đồng (nguyên giá: 2.085 tỷ đồng, khấu hao luỹ kế 928 tỷ đồng). Bên kia bảng cân đối kế toán, vay nợ tài chính ngắn và dài hạn là 569 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 972 tỷ đồng, trong đó vốn cổ phần 527 tỷ đồng.

Là một "ông lớn" trong lĩnh vực vận tải xăng dầu tại trung tâm kinh tế của cả nước, kết quả kinh doanh của Âu Lạc Corp khiến dư luận khá tò mò.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2018, tổng doanh thu của Âu Lạc Corp là 576 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2017 (588 tỷ đồng), tuy nhiên khoản thu nhập khác giảm mạnh khiến lãi sau thuế của Âu Lạc co về còn 15,9 tỷ đồng, tương đương 20%, 9 tháng đầu năm 2017 (77,5 tỷ đồng). So với kế hoạch cả năm 2018 đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên thông qua, kết quả đạt được trong 3 quý đầu năm mới hoàn thành 69% chỉ tiêu doanh thu và 25% chỉ tiêu lợi nhuận.

Dù giảm sút đáng kể so với các năm trước, song kết quả kinh doanh của Âu Lạc vẫn rất khả quan trong bối cảnh khó khăn chung của ngành vận tải biển trong nước cũng như quốc tế. 9 tháng đầu năm 2018, CTCP Vận tải Biển Việt Nam (Vosco) lỗ sau thuế 104 tỷ đồng, CTCP Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam (Vitranschart) lỗ 182 tỷ đồng, CTCP Vận tải biển và thương mại Phương Đông (Nosco) lỗ 334 tỷ đồng.

Sự ổn định của Âu Lạc đầu tiên phải kể tới vai trò của vợ chồng Chủ tịch HĐQT bà Ngô Thu Thuý.

Cuối năm 2014 và đầu năm 2015, CTCP Đầu tư Vận tải Xăng dầu Sài Gòn đã mua 6,57 triệu cổ phiếu ASC thông qua trái phiếu chuyển đổi, qua đó trở thành cổ đông lớn nhất của Âu Lạc với tỷ lệ sở hữu 20,1%. Đầu tư Vận tải Xăng dầu Sài Gòn là doanh nghiệp có liên quan của nữ doanh nhân Ngô Thu Thuý.

Trước đó, bà Ngô Thu Thuý thông qua CTCP Phát triển Phú Minh đã nắm giữ 6,342 triệu cổ phần ASC, tương đương tỷ lệ 19,4%.

Bản thân bà Thuý lúc này có 50.000 cổ phần và chồng là ông Nguyễn Đức Hinh nắm 83.896 cổ phần ASC. Bà Ngô Thu Thuý vào cuối năm 2014 đã được bầu làm Chủ tịch HĐQT Âu Lạc.

Trong năm 2015, vợ chồng bà Thuý và doanh nghiệp liên quan đã thoái gần hết vốn tại Âu Lạc (Công ty Xăng dầu Sài Gòn còn 1,4 triệu cổ phần) cho một pháp nhân nước ngoài là Education Management Holdings Limited (EMHL).

Với việc bà Ngô Thu Thuý vẫn giữ nguyên chức vụ trong Hội đồng quản trị, nhiều khả năng đây chỉ là động tác sang tên nội bộ của nhóm cổ đông liên quan đến nữ doanh nhân họ Ngô.

Ảnh hưởng của nhóm cổ đông bà Ngô Thu Thuý tiếp tục tăng lên khi Âu Lạc trong năm 2017 đã chuyển đổi 200 tỷ đồng mệnh giá trái phiếu thành 20 triệu cổ phần cho CTCP Đầu tư Phát triển Đức Hiếu - một pháp nhân có liên hệ tới bà Ngô Thu Thuý.

Tới cuối năm 2017, theo các báo cáo công bố, hai cổ đông EMHL và Công ty Đức Hiếu sở hữu 61,5% vốn của Âu Lạc. Ở diễn biến gần đây, CTCP Đầu tư Phát triển Đức Hiếu vào tháng 8/2018 đã tiến hành giải thể, với lý do hoạt động không hiệu quả. Chưa rõ ai là bên đã nhận chuyển nhượng 20% cổ phần ASC từ phiếu Đức Hiếu trước khi doanh nghiệp này dừng hoạt động.

Nói thêm về bà Ngô Thu Thuý, vị Chủ tịch HĐQT sinh năm 1967 là doanh nhân có tiếng ở TP.HCM. Từ cuối năm 2015, bà Thuý được giới tài chính biết đến nhiều hơn khi nhóm cổ đông Âu Lạc thắng thế trong "cuộc chiến" quyền lực tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank).

Bản thân bà Thuý sau đó là cố vấn HĐQT Eximbank, hai người có gốc Âu Lạc là ông Lê Minh Quốc (cựu Phó Chủ tịch HĐQT) và ông Ngô Thanh Tùng (cựu Thành viên HĐQT) lần lượt đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT và Thành viên HĐQT Eximbank.