Trong niềm tự bào, biết ơn của đất nước, dân tộc và nhân dân, Ngoại giao Việt Nam có vinh dự đặc biệt, được Người khai sinh, dẫn dắt, kiêm Bộ trưởng đầu tiên.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp nhân sĩ trí thức Mỹ phản đối chiến tranh ở Việt Nam, năm 1967. Ảnh tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp nhân sĩ trí thức Mỹ phản đối chiến tranh ở Việt Nam, năm 1967. Ảnh tư liệu.

Ngoại giao trong hành trình “tìm hình của nước”

Quan hệ ngoại giao chính thức thiết lập khi hình thành nhà nước. Năm 1911, khi Nguyễn Tất Thành quyết định ra nước ngoài, xứ An Nam là thuộc địa của Pháp, chưa có tên trên bản đồ thế giới. 10 năm bôn ba khắp Á, Âu, Phi, Mỹ, với mục đích tìm đường giải phóng dân tộc và tầm nhìn xa, Nguyễn Ái Quốc đã có những hoạt động mang tính ngoại giao đầu tiên.

Cuối năm 1918, Nguyễn Ái Quốc gia nhập Đảng Xã hội Pháp, bởi khẩu hiệu “Tự do, bình đẳng, bác ái” thu hút Người. Ngày 18/6/1919, Nguyễn Ái Quốc thay mặt người Việt Nam yêu nước tại Pháp gửi bản Yêu sách tới Hội nghị Versailles, đòi quyền tự do, dân chủ, bình đẳng cho nhân dân mình. Bản kiến nghị không được chấp nhận nhưng đã làm dậy sóng dư luận, khiến phong trào đấu tranh của công nhân và người lao động ở Pháp và Châu Âu phải quan tâm đến xứ Đông Dương, vấn đề thuộc địa. Đây được xem là văn bản mang tính chính trị - ngoại giao đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc.

Chiều 29/12/2020, tại Đại hội XIII của Đảng Xã hội, Nguyễn Ái Quốc cùng với 70% đại biểu bỏ phiếu tán thành Quốc tế III (ủng hộ Lenin, cách mạng vô sản); sau đó tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Những năm đầu, hiểu biết chính trị còn ít, điều kiện cơ bản để Nguyễn Ái Quốc tham gia tổ chức chính trị - xã hội là họ phải quan tâm vấn đề thuộc địa, các dân tộc bị áp bức, ủng hộ trao trả độc lập cho xứ Đông Dương.

Độc lập, lợi ích dân tộc trở thành tiêu chí cơ bản trong quan hệ của Nguyễn Ái Quốc với các tổ chức chính trị - xã hội và các nhân sĩ, nhà văn nổi tiếng (Paul Louis, Jacques Doriot, Henri Barbusse…). Chính trị thu hút những người cùng chí hướng. Qua đó, Nguyễn Ái Quốc và Việt Nam giành được sự quan tâm, ủng hộ từ nhiều đảng, tổ chức và nhân vật quốc tế nổi tiếng.

Như vậy, ngay từ rất sớm, khi nước chưa ra đời, ở Nguyễn Ái Quốc, chính trị đã gắn kết rất tự nhiên với ngoại giao. Cùng với lợi ích quốc gia, dân tộc, đoàn kết quốc tế, gắn phong trào cách mạng chính quốc với phong trào đấu tranh ở thuộc địa… là những hạt nhân đầu tiên hình thành nên quan điểm, đường lối ngoại giao cách mạng Việt Nam.

Khai sinh, dẫn dắt Ngoại giao Việt Nam đến thắng lợi

Cùng với thành lập Chính phủ, kiện toàn bộ máy, Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch vạch ra đường lối, chính sách, phương châm chỉ đạo, kiến tạo nền tảng cho nền ngoại giao non trẻ của Việt Nam. Người xác định công việc cấp bách là trì hoãn nguy cơ chiến tranh và tìm kiếm sự công nhận quốc tế.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các đại biểu các nước sang dự Hội nghị quốc tế đoàn kết với nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ bảo vệ hòa bình, họp tại Hà Nội, tháng 11/1964. Ảnh: Tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các đại biểu các nước sang dự Hội nghị quốc tế đoàn kết với nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ bảo vệ hòa bình, họp tại Hà Nội, tháng 11/1964. Ảnh Tư liệu.

Hồ Chủ tịch đã ban hành nhiều sắc lệnh, văn kiện ngoại giao; nổi bật là Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946 và Tạm ước ngày 14/9/1946, do chính Người ký kết. Hiệp định sơ bộ giữa Việt Nam với Pháp là văn kiện quốc tế song phương đầu tiên ta ký với nước ngoài. Đây là nước cờ tài tình với phương châm “hòa để tiến”, gạt quân Tưởng ra ngoài, tránh cùng lúc phải đối phó với nhiều kẻ thù.

Nhằm bảo vệ thành quả của Hiệp định sơ bộ, thể hiện thiện chí hòa bình, tranh thủ thời gian quý báu để chuẩn bị mọi mặt cho kháng chiến, Hồ Chủ tịch đã chủ động đàm phán, ký Tạm ước ngày 14/9/1946. Đây là một giải pháp chính trị linh hoạt, chấp nhận nhân nhượng về kinh tế, thương mại nhưng quyết không vi phạm đến độc lập, chủ quyền tối cao của đất nước. Hồ Chủ tịch đã cử Phái đoàn đại diện Chính phủ Việt Nam - Cơ quan đại diện ngoại giao đầu tiên của ta ở nước ngoài, do ông Hoàng Minh Giám làm trưởng đoàn, để duy trì kênh liên lạc trực tiếp với Chính phủ Pháp.

Hai văn kiện ngoại giao thể hiện trí tuệ, bản lĩnh, tầm nhìn chiến lược, nghệ thuật đàm phán có nguyên tắc và sách lược linh hoạt, “biết mình, biết địch, biết tiến, biết thoái” phù hợp với tình cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”.

Từ cuối năm 1953, Hồ Chủ tịch nói rõ lập trường sẵn sàng thương lượng với Pháp, giải quyết hòa bình vấn đề Việt Nam, với nguyên tắc “thật thà tôn trọng nền độc lập thật sự của Việt Nam”. Ngày 6/7/1954, Hội nghị Geneva bước vào thời điểm quyết định, Người khẳng định Việt Nam “tiếp tục cố gắng đấu tranh cho hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ của Tổ quốc…”. Quan điểm của Người là kim chỉ nam cho đoàn đàm phán Việt Nam và để thế giới hiểu rõ lập trường, thiện chí hòa bình của ta.

Hiệp định chưa như mong muốn, nhưng ta thực hiện được điều lớn nhất, các nước tham gia Hội nghị cam kết tôn trọng chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; thừa nhận mục đích căn bản của Hiệp định là giải quyết vấn đề quân sự để đình chiến và giới tuyến quân sự chỉ có tính tạm thời. Việc thống nhất hai miền sẽ được thực hiện thông qua tổng tuyển cử. Đánh giá về vai trò to lớn của Bác, Giáo sư Miguel De Stephano (Viện Nghiên cứu Châu Á của Cuba) khẳng định: Với vũ khí của mình, Hồ Chí Minh đã là tác giả của thắng lợi đó… Và tên tuổi của Người đã được ghi vào những trang sử vẻ vang nhất.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đoàn nhà báo L’Unita của Đảng Cộng sản Italia, ngày 12/5/1959. Ảnh: Tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đoàn nhà báo L’Unita của Đảng Cộng sản Italia, ngày 12/5/1959. Ảnh Tư liệu.

Nguyên tắc, phương châm, sách lược và kinh nghiệm đàm phán các hiệp định trước đó được kế thừa, phát huy lên tầm cao mới trong Hiệp định Paris năm 1973. Đó là sự kết hợp chặt chẽ mặt trận chính trị, quân sự và ngoại giao; kiên định nguyên tắc, linh hoạt, mềm dẻo về sách lược; phương châm “Dĩ bất biến ứng vạn biến”, vừa đánh vừa đàm, giành thắng lợi từng bước để tiến lên thắng lợi hoàn toàn, như thơ chúc Tết Xuân Kỷ Dậu 1969: “Vì độc lập, vì tự do. Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”.

Những nhận định tài tình, sự chỉ đạo sát sao, sáng sốt của Bác là kim chỉ nam để đoàn Việt Nam kiên trì, bản lĩnh, vững vàng, khôn khéo trong cuộc đàm phán phức tạp, dài nhất lịch sử, giành thắng lợi to lớn, tạo cục diện thuận lợi, tiến đến thắng lợi hoàn toàn ngày 30/4/1975. Thắng lợi này chứng tỏ sự trưởng thành vượt bậc của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam.

Dấu ấn đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “con mắt xanh” trong nhìn nhận, sử dụng cán bộ. Người kế nhiệm Bác trên mặt trận Ngoại giao là Bộ trưởng Phạm Văn Đồng, học trò xuất sắc, trưởng đoàn Việt Nam tại Hội nghị Geneva 1954. Tại Hội nghị Paris, Bác chỉ định hai nhân vật chủ chốt, linh hồn đàm phán: Bộ trưởng, trưởng đoàn Xuân Thủy và cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ. Đồng chí Lê Đức Thọ chưa qua một trường lớp, cương vị ngoại giao nào, nhưng ẩn chứa sự nhuần nhuyễn sâu sắc giữa nhà chính trị lão luyện với nhà ngoại giao tài giỏi. Việc kết hợp giữa Đoàn miền Bắc và miền Nam, giữa các phẩm chất nổi trội của người đứng đầu, tạo sự hòa hợp tuyệt vời, bổ sung cho nhau, phát huy cao độ sức mạnh chính nghĩa, góp phần to lớn vào thắng lợi đỉnh cao của Hiệp định Paris.

Sau khi thành lập Chính phủ, Hồ Chủ tịch khấn trương đặt nền móng quan hệ ngoại giao Việt Nam với Liên Xô, Trung Quốc và các nước. Ngày 18/1/1950, Chính phủ Trung Quốc công nhận Chính phủ Việt Nam. 12 ngày sau (30/1/1950), Liên Xô tuyên bố thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Việt Nam. Quan hệ với hai nước lớn thúc đẩy hàng loạt nước dân chủ, tiến bộ trên thế giới công nhận, ủng hộ Việt Nam, nhất là trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với công nhân Khu công nghiệp Visôsani trong dịp Người đi thăm hữu nghị nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Tiệp Khắc, tháng 7/1957. Ảnh: Tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với công nhân Khu công nghiệp Visôsani trong dịp Người đi thăm hữu nghị nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Tiệp Khắc, tháng 7/1957. Ảnh: Tư liệu

Tuy nhiên, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ gặp nhiều khó khăn, Liên Xô và Trung Quốc nảy sinh mâu thuẫn, bất đồng sâu sắc, tác động lớn đến quan hệ Việt - Xô - Trung. Với trí tuệ thiên tài, kinh nghiệm hoạt động quốc tế phong phú, sự hiểu biết sâu sắc nước bạn, lòng chân thành và ứng xử tinh tế, Bác đề ra những quan điểm chỉ đạo cụ thể: Kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, ứng xử linh hoạt, có lý có tình; kiên trì tình đoàn kết hữu nghị, quan hệ cân bằng, hài hòa với Liên Xô, Trung Quốc trong mọi điều kiện, hoàn cảnh; không can thiệp vào công việc nội bộ; nỗ lực góp phần thu hẹp, hóa giải bất đồng giữa hai nước lớn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh liên tục dẫn đầu các chuyến thăm, đồng đều tới Liên Xô, Trung Quốc; trao đổi để lãnh đạo hai nước hiểu rõ quan điểm của ta, hóa giải hiểu lầm. Tại Hội nghị đại biểu 81 Đảng Cộng sản và Công nhân quốc tế ngày 2/11/1960, cả Liên Xô và Trung Quốc không tìm được tiếng nói chung. Chủ tịch Hồ Chí Minh có bài phát biểu rất khéo léo, có tính thuyết phục cao: Chúng tôi cảm thấy rất sâu sắc tầm quan trọng của sự đoàn kết giữa Liên Xô và Trung Quốc… Chúng ta đều là anh em ruột thịt trong đại gia đình cộng sản quốc tế. Để đánh thắng kẻ thù chung, chúng ta nhất định phải đoàn kết chặt chẽ. Người đã góp phần quan trọng đưa hai đoàn Liên Xô, Trung Quốc đi tới đồng thuận và Tuyên bố chung của Hội nghị được thông qua.

Tổng kết các cuộc kháng chiến và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc khẳng định, thắng lợi của cách mạng Việt Nam không thể tách rời sự đoàn kết, ủng hộ, giúp đỡ to lớn của các nước anh em, bạn bè quốc tế và nhân dân yêu chuộng hòa bình, tiến bộ trên toàn thế giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh góp phần to lớn vào thành công đó.

Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, di sản vô giá

Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh bao gồm hệ thống vô cùng phong phú, sâu sắc các nguyên lý, quan điểm về nội dung, phương pháp, phong cách, nghệ thuật ngoại giao; nổi lên các luận điểm, phương châm chỉ đạo cơ bản:

Từ trái sang: Hồ Chủ tịch, Thứ trưởng Nội vụ Hoàng Minh Giám, Ủy viên Cộng hòa Pháp ở Bắc Việt Nam Jean Sainteny, Cố vấn chính trị của Cao ủy Pháp ở Đông Dương Leon Pignon và Bí thư Phân bộ Đảng Xã hội Pháp (SFIO) ở Bắc Việt Nam Luis Capu tại lễ ký Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946. (Ảnh tư liệu TTXVN)
Từ trái sang: Hồ Chủ tịch, Thứ trưởng Nội vụ Hoàng Minh Giám, Ủy viên Cộng hòa Pháp ở Bắc Việt Nam Jean Sainteny, Cố vấn chính trị của Cao ủy Pháp ở Đông Dương Leon Pignon và Bí thư Phân bộ Đảng Xã hội Pháp (SFIO) ở Bắc Việt Nam Luis Capu tại lễ ký Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946. Ảnh tư liệu TTXVN.

Một là, độc lập, tự chủ, tự cường với các nước. Hai là, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ hòa bình. Ba là, xây dựng, mở rộng quan hệ đoàn kết, hữu nghị, hợp tác với tất cả các nước trên thế giới. Bốn là, phát huy nội lực, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, làm cơ sở kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Năm là phương châm “Dĩ bất biến ứng vạn biến”. Sáu là, ngoại giao công tâm, thấm vào lòng người.

Cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với hành trình “tìm hình của nước”, sự nghiệp dựng nước, giữ nước, hai cuộc kháng chiến trường kỳ. Sâu thẳm, thấm đẫm trong tư tưởng, hoạt động ngoại giao của Người là tính nhân văn, văn hóa, thứ “văn hóa của tương lai”, đưa Việt Nam đến với thế giới, thu hút thế giới về Việt Nam, bằng lòng chân thành, yêu hòa bình, tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Thực tiễn cách mạng Việt Nam là sự kiểm nghiệm, minh chứng, khẳng định giá trị to lớn của tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, bộ phận quan trọng của tư tưởng Hồ Chí Minh, di sản tinh thần vô giá. Trong thời đại mới, tư tưởng của Người vẫn nguyên giá trị. Đó là nền tảng sức mạnh, “cẩm nang” để xây dựng, phát triển, thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước Việt Nam.

Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2024), cha đẻ của nền ngoại giao Việt Nam hiện đại, cách tưởng nhớ, biết ơn thành kính, thiết thực nhất là suốt đời “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, để “Chủ tịch Hồ Chí Minh sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta”; để ngành Ngoại giao giữ vững truyền thống, phát huy vai trò tiên phong, đồng hành cùng dân tộc, phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân.

Theo baoquocte.vn