Đây là hoạt động nhằm giới thiệu những nét văn hóa, phong tục đặc sắc của 54 dân tộc anh em trên khắp mọi miền Tổ quốc.

Chủ tịch nước đánh cồng khai hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” - Hình 1

             Chủ tịch nước đánh cồng khai hội 

Chương trình “Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc” năm nay giới thiệu, tổ chức các hoạt động lễ hội đặc sắc, trò chơi dân gian tiêu biểu, các món ăn truyền thống dịp năm mới và các loại sản vật đặc trưng của từng dân tộc, đan xen là hoạt động biểu diễn các dân ca, dân vũ phong phú, hấp dẫn do chủ thể văn hóa thực hiện.

Đặc biệt, chương trình giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc có điểm nhấn của các dân tộc theo cụm làng chủ đề quý “Những sắc màu Văn hóa - Du lịch Tây Bắc” và phát huy các không gian tâm linh trong Làng với quần thể chùa Khmer, Tháp Chăm và Chùa Pháp Ấn. Ngày hội “Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc” có khoảng 200 người thuộc 21 cộng đồng dân tộc của 14 tỉnh đại diện cho các dân tộc, vùng, miền tham gia.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu rõ, mỗi dịp Tết đến Xuân về, đồng bào ta trên mọi miền đất nước cũng như ở xa Tổ quốc đều một lòng hướng về nguồn cội, về đất nước, về dân tộc, về gia đình. Đây là truyền thống văn hóa quý báu của dân tộc Việt Nam, được hun đúc qua suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước.

Chủ tịch nước đánh cồng khai hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” - Hình 2

Chủ tịch nước tặng quà đồng bào dân tộc tham dự lễ hội

Chủ tịch nước vui mừng gặp mặt các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, chức sắc tôn giáo, người có uy tín tiêu biểu đại diện các dân tộc, vùng miền và đồng bào ta ở nước ngoài về quê hương ăn Tết tại “Ngôi nhà chung” Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam trong Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc”.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, trong suốt chiều dài lịch sử, 54 dân tộc anh em đã đồng cam, cộng khổ, đoàn kết, gắn bó keo sơn đưa dân tộc ta vượt qua mọi thác gềnh, thử thách, hun đúc nên khí phách Việt Nam, tinh thần Việt Nam, văn hoá Việt Nam, đất nước Việt Nam.

Chủ tịch nước nêu rõ, sự đa dạng về văn hoá của các dân tộc anh em giống như những bông hoa rực rỡ cùng khoe sắc trong vườn hoa chung của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Tháng Giêng khởi đầu cho một năm lao động, sản xuất.

“Những lễ hội Xuân đậm sắc màu được hình thành sống động trong dòng chảy văn hóa các dân tộc Việt Nam. Góp phần vào công cuộc bảo tồn, phát triển văn hóa, những năm qua, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn, đạt được những kết quả quan trọng, góp phần bảo tồn, phát huy, khẳng định sức sống trường tồn của các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, từng bước hình thành điểm đến du lịch”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Vui mừng được biết, Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” qua các năm tổ chức đã đón trên hàng chục nghìn lượt đồng bào các dân tộc tham gia hơn 50 lễ hội, hoạt động, Chủ tịch nước cho rằng đây là điểm hội tụ, lan tỏa truyền thống văn hóa, nhất là vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc.

Chủ tịch nước đánh giá cao những cố gắng nỗ lực của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam và đồng bào các dân tộc hoạt động tại Làng.

Năm nay, Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” tiếp tục khởi sắc với nhiều hoạt động phong phú, ấn tượng của đồng bào các dân tộc cùng hội tụ về “Ngôi nhà chung” với “hành trang” là những lễ hội độc đáo, đặc sắc của dân tộc mình, những ý nguyện đoàn kết để cùng phát triển.

Chủ tịch nước đánh cồng khai hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” - Hình 3

Chủ tịch nước tham dự Lễ hội Gầu Tào của đồng bào dân tộc Mông, tỉnh Hà Giang

Chủ tịch nước Trần Đại Quang tin tưởng và mong muốn các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, chức sắc tôn giáo, người có uy tín tiêu biểu đại diện các dân tộc, vùng, miền tiếp tục tích cực tuyên truyền, vận động bà con các dân tộc thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; làm tốt công tác bảo tồn, giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, góp phần xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh để sắc xuân, khí xuân lan tỏa khắp mọi miền đất nước.

Nhân dịp này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị các cấp, ngành, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt”; có những những giải pháp, việc làm cụ thể, thiết thực hỗ trợ đồng bào các dân tộc trong phát triển kinh tế - xã hội, giáo dục, văn hóa, y tế.

Với niềm tin vững chắc vào công cuộc đổi mới sẽ mang lại sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc, Chủ tịch nước Trần Đại Quang gửi tới toàn thể đồng bào 54 dân tộc anh em, đồng bào ta ở nước ngoài, cùng toàn thể đồng bào, đồng chí lời chúc mừng năm mới tốt đẹp nhất với quyết tâm mới, thắng lợi mới.

Trong không khí thân mật đầu Xuân, đại diện cộng đồng các dân tộc đã kính tặng Chủ tịch nước Trần Đại Quang những kỷ vật như khèn, khăn, thổ cẩm, đàn tính, quả bông đỏ mang đậm nét đặc trưng văn hóa truyền thống.

Trong chuyến thăm và chúc tết đồng bào dân tộc, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng đoàn đại biểu đã đến thăm Làng dân tộc Mường và trồng cây lưu niệm tại đây. Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng thăm Làng dân tộc Mông và dự Lễ hội Gầu Tào của đồng bào Mông tỉnh Hà Giang.

Lễ hội Gầu tào là lễ hội lớn nhất và cũng là lễ hội có quy mô cộng đồng duy nhất của người Mông, gắn liền với niềm tin của người Mông về sự ấm no, hạnh phúc. Lễ hội Gầu tào là môi trường nuôi dưỡng văn hóa, văn nghệ dân gian Mông, góp phần gắn kết khối đoàn kết cộng đồng người Mông.

Thê Long (T/h)