THCL Sáng 23/9, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã chính thức khai mạc (diễn ra từ 23 đến 25/9/2015). Đại hội có 447 đại biểu chính thức về dự, trong đó có 4 PGS, 20 tiến sỹ, 68 đại biểu nữ và 65 đại biểu dân tộc thiểu số đại diện cho trên 20 vạn đảng viên.

Toàn cảnh phiên khai mạc Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 – 2020.

Về dự Đại hội, có đồng chí Trương Tấn Sang - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Nước CHXHCN Việt Nam, đồng chí Lê Khả Phiêu - Nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Trần Đức Lương - Nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, Nguyên Chủ tịch Nước Cộng hoà XHCN Việt Nam, đồng chí Phạm Thế Duyệt - Nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, Nguyên Thường trực Bộ Chính trị, Nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, đồng chí Vũ Oanh - Nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, Nguyên Trưởng Dân vận Trung ương.

Giai đoạn 2011 - 2015, Thanh Hóa đã đạt những thành tựu to lớn và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Khẳng định sự đoàn kết đồng lòng, quyết tâm cao của toàn Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa phát huy bản lĩnh chính trị vững vàng, năng động, sáng tạo, trí tuệ trong sự nghiệp xây dựng, phát triển quê hương. Thành tựu này tạo cho Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa càng vững tin bước trên chặng đường mới, giai đoạn 2015 - 2020.

Tại đại hội, Báo cáo Chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVIII nêu rõ: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm đạt 11,4%, cao nhất trong gần 30 năm đổi mới. Năm 2015, GDP (theo giá so sánh năm 1994) ước đạt 34.891 tỷ đồng, gấp 1,7 lần năm 2010, xếp thứ 8 cả nước; GDP bình quân đầu người ước đạt 1.530 USD, gấp 1,9 lần, tăng nhanh hơn so với mức tăng trung bình của cả nước. Đã thu hút 560 dự án đầu tư (có 25 dự án FDI) với tổng vốn đăng ký 120.000 tỷ đồng và 2,56 tỷ USD (gồm cả dự án Nhiệt điện Nghi Sơn 2); điều chỉnh tăng vốn 32 dự án FDI với số vốn tăng thêm 3 tỷ USD, nâng tổng số dự án FDI còn hiệu lực lên 59 dự án với tổng vốn đăng ký 12,8 tỷ USD, đứng thứ 6 cả nước.Tổng huy động vốn đầu tư phát triển 5 năm ước đạt 322.936 tỷ đồng,vượt 4,2% mục tiêu đại hội, gấp 3,8 lần giai đoạn 2005 - 2010. Cơ cấu vốn đầu tư chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng vốn ngân sách, tăng nhanh vốn FDI, vốn tín dụng, vốn dân cư và các thành phần kinh tế khác.

Sau gần 30 năm đổi mới thế và lực của Thanh Hóa đã lớn mạnh hơn. Đội ngũ lãnh đạo có thêm nhiều kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành; môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng được cải thiện; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường; nhiều dự án lớn hoàn thành sẽ nâng cao năng lực sản xuất và là hạt nhân thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cán bộ, đảng viên, nhân dân và con em xa quê mong muốn Thanh Hóa tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và các hoạt động văn hoá - xã hội; giữ vững quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội. Phấn đấu đến năm 2020 Thanh Hóa trở thành tỉnh tiên tiến và đến năm 2025 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, với phương châm hành động: Đoàn kết - kỷ cương - sáng tạo - phát triển.

Bước vào giai đoạn 2015 – 2020, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVIII đề ra các chỉ tiêu phấn đấu: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh GRDP bình quân 5 năm đạt 12%/năm trở lên. GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 3.600 USD trở lên. Cơ cấu các ngành kinh tế trong GRDP năm 2020: nông, lâm, thủy sản chiếm 12%; công nghiệp - xây dựng chiếm 53,7%; dịch vụ chiếm 34,3%. Tổng sản lượng lương thực bình quân hằng năm giữ ổn định 1,5 triệu tấn. Tổng giá trị xuất khẩu năm 2020 đạt 1,9 tỷ USD trở lên. Tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm đạt 610 nghìn tỷ đồng. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân hàng năm 11%. Đến năm 2020 đạt 10 bác sĩ/1 vạn dân. Bình quân hàng năm kết nạp hơn 7.000 đảng viên mới và có từ 80% tổ chức cơ sở Đảng trở lên kết nạp được đảng viên mới trong năm. Tỷ lệ tổ chức cơ sở Đảng đạt trong sạch - vững mạnh hàng năm đạt cao…

Đại hội cũng đưa ra 5 chương trình trọng tâm, gồm: Chương trình phát triển Khu Kinh tế Nghi Sơn, các khu công nghiệp. Chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững ở các huyện miền núi. Chương trình phát triển du lịch và Chương trình đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực.

Để đạt được mục tiêu nhiệm vụ và các chương trình trong tâm trên, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thanh Hóa sẽ có các đột phá trong nhiệm kỳ mới: Phát triển nhanh, đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; tập trung nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm các công trình hạ tầng quan trọng, có tính then chốt theo hướng hiện đại. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo sự thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Kiện toàn, củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu trong các tổ chức Đảng. Phát huy tính tiền phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.

Thanh Huyền (Thương hiệu & Công luận)