Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Cần nhận diện đầy đủ hơn các hành vi bạo lực gia đình

Ngày 16/04, Ủy ban thường Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, cần nhận diện thêm hành vi bạo lực gia đình với những người không phải trong gia đình; bạo lực tình dục; bạo lực tinh thần, nhất là với phụ nữ và trẻ em…

Bạo lực về tinh thần còn nặng nề hơn bạo lực thể xác

Tại phiên họp thứ 10 vào chiều 16/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, phòng chống bạo lực gia đình (BLGĐ) được sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân; đặc biệt là vấn đề bạo lực phụ nữ, trẻ em.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: VPQH
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: VPQH.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội, dự thảo luật chưa bao quát hết các hành vi bạo lực gia đình. “Cần nhận diện đầy đủ hơn hành vi này. Bởi nhiều khi bạo lực về tinh thần còn nặng nề hơn bạo lực thể xác. Thậm chí, có chuyên gia nói, việc ép buộc lựa chọn giới tính thai nhi cũng là hành vi bạo lực gia đình”, Chủ tịch Quốc hội nêu ví dụ.

Theo Chủ tịch Quốc hội, tại Điều 4, Dự thảo Luật mới chỉ quy định với các thành viên trong gia đình theo Luật Hôn nhân và Gia đình; hoặc với những người sống với nhau như gia đình nhưng chưa quy định hết toàn bộ các vấn đề liên quan gia đình đang xảy ra trên thực tế. Ví dụ những hành vi bạo lực giữa những người sống chung với nhau, đã từng có quan hệ nuôi dưỡng, cha mẹ nuôi, con nuôi nhưng không còn quan hệ nuôi dưỡng nữa nhưng vẫn ở chung, mà vẫn xảy ra bạo lực. Tình trạng con cái khước từ cha mẹ; cha mẹ khước từ con cái nhưng vẫn sống chung…

Theo Chủ tịch Quốc hội, tình trạng bạo lực, xâm hại xảy ra nhiều trên thực tế như người tình của mẹ bạo hành, xâm hại con riêng; mẹ kế bạo hành con riêng của chồng…. Tình trạng này gây nhiều bức xúc trong xã hội, rất cần phải nhận diện, nghiên cứu để có những quy định chặt chẽ, hiệu quả hơn.

“Lần sửa đổi này nhận diện và và khắc phục việc này thế nào?”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu băn khoăn và đề nghị cơ quan soạn thảo phối hợp với các cơ quan thuộc khối tư pháp xem rà soát để nhận diện và có biện pháp để khắc phục.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VPQH
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VPQH.

Ở góc độ giáo dục, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn lại nhắc đến khía cạnh bạo lực gia đình liên quan đến việc dạy và học thời gian gần đây, nhiều vụ việc đã dẫn đến những câu chuyện đau lòng.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhắc đến hiện tượng kỳ vọng quá lớn của cha mẹ đối với con cái dẫn đến việc các cháu phải học đến 3-4 giờ sáng hay mong muốn con cái phải được điểm 10, phải đi theo nghề nghiệp của cha mẹ, hay là niềm hãnh diện của cha mẹ... đã tạo ra những áp lực, vượt quá năng lực, khả năng của trẻ em.

“Áp lực trong lao động, học tập, cưỡng ép trong lựa chọn, định hướng nghề nghiệp trái với nguyện vọng của trẻ em...cũng là một dạng bạo lực cần nhận diện”, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nói và đề nghị dự thảo luật cần diễn đạt rõ hơn về việc không gây áp lực quá lớn trong lao động và học tập cho trẻ em.

Cứ 3 phụ nữ thì có gần 1 người bị bạo lực

Trước đó, trình bày tóm tắt về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: Bạo lực gia đình hiện vẫn là một vấn đề nhức nhối, nan giải ở Việt Nam. Nhiều vụ việc có mức độ gây hại nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, tinh vi, khó lường và khó xử lý bằng các quy định pháp luật hiện hành.

Theo kết quả điều tra quốc gia công bố năm 2020, cứ 3 phụ nữ thì có gần 1 người (32%) bị chồng bạo lực thể xác/hoặc bạo lực tình dục. Đáng chú ý, có 90,4% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác hoặc tình dục không tìm kiếm sự giúp đỡ; chỉ có 4,8% tìm kiếm sự giúp đỡ của công an.

Kết quả điều tra này còn cho thấy, năm 2019, bạo lực gia đình với phụ nữ gây thiệt hại 1,8% GDP (tăng 0,2% so với năm 2012). Không chỉ bạo lực gia đình với phụ nữ mà bạo lực gia đình với trẻ em, người già cũng diễn ra phổ biến và có nhiều vụ việc nghiêm trọng trong thời gian qua.

“Vấn nạn bạo lực gia đình có xu hướng trầm trọng, đa dạng, phức tạp hơn đã và đang để lại những hậu quả nặng nề cho nhiều gia đình, gây ra những thiệt hại to lớn cho toàn xã hội. Nếu không được giải quyết kịp thời, bạo lực gia đình sẽ đe dọa đến sự phát triển bền vững của gia đình, làm xói mòn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, làm suy yếu động lực phát triển và là rào cản đối với tiến trình phát triển bền vững của đất nước”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói.

Từ đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh sự cần thiết phải sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, dự thảo Luật lần này gồm 6 chương, 62 điều, tăng 16 điều so với Luật hiện hành; tiếp tục kế thừa nguyên tắc lấy phòng ngừa là chính nhưng được bổ sung theo hướng chủ động hơn, liên tục trong cả quá trình trước, trong và khi kết thúc bạo lực để hướng đến mục tiêu là phòng ngừa bền vững.

Trong đó, trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ và các thành viên yếu thế khác trong gia đình là đối tượng được ưu tiên bảo vệ, hỗ trợ.

Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung phiên họp. Ảnh: VPQH
Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung phiên họp. Ảnh: VPQH.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí về sự cần thiết xây dựng dự án Luật.

Về phạm vi sửa đổi, theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, dự thảo Luật phải bao quát được vấn đề phòng, chống BLGĐ trong tình hình mới; khắc phục những hạn chế vướng mắc của các quy định pháp luật, bảo đảm việc sửa đổi luật lần này góp phần tốt hơn việc gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc; thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Đồng thời, bảo đảm tính khả thi của các quy định, kịp thời bảo vệ người bị BLGĐ và người tham gia phòng, chống BLGĐ. Thúc đẩy xã hội hóa, tăng cường sự đóng góp và tham gia của toàn xã hội, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức cá nhân trong công tác phòng, chống BLGĐ.

Đồng thời đề nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Hội đồng Tư vấn Văn hóa-Xã hội tổ chức phản biện dự án luật này để có thêm nhiều ý kiến của các tổ chức chính trị-xã hội, đoàn thể. Đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của cơ quan thẩm tra, cơ quan của Quốc hội, các ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bảo đảm chất lượng khi trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 cho ý kiến vào tháng 5/2022.

Hoàng Thăng (t/h)

Bài liên quan

Tin mới

Hải Phòng xếp thứ hai cả nước về Chỉ số cải cách hành chính PAR INDEX
Hải Phòng xếp thứ hai cả nước về Chỉ số cải cách hành chính PAR INDEX

Theo xếp hạng mới được công bố tại Hội nghị công bố Chỉ số cải cách hành chính PAR INDEX, chỉ số hài lòng của người dân với sự phục vụ của cơ quan hành chính (SIPAS) năm 2023, TP. Hải Phòng xếp hạng hai cả nước về chỉ số này. Đây là thành quả từ những nỗ lực cải cách hành chính, chuyển đổi số của thành phố trong năm qua.

Top 500 DN lợi nhuận tốt nhất Việt Nam - Bài 7: HDBank – góp sức cùng nông sản Việt
Top 500 DN lợi nhuận tốt nhất Việt Nam - Bài 7: HDBank – góp sức cùng nông sản Việt

Tại Hà Nội, Công ty CP Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) phối hợp với Báo điện tử VietNamNet, tổ chức Lễ công bố Top 500 DN lợi nhuận tốt nhất Việt Nam (PROFIT500). TH&CL giới thiệu đôi nét từng đơn vị trong danh sách này.

Thúc đẩy quan hệ hợp tác, đầu tư với Đặc khu kinh tế Thâm Quyến (Trung Quốc)
Thúc đẩy quan hệ hợp tác, đầu tư với Đặc khu kinh tế Thâm Quyến (Trung Quốc)

Vừa qua, đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng chủ trì tiếp Đoàn công tác Trung tâm Nghiên cứu Đặc khu Kinh tế Trung Quốc (Đại học Thâm Quyến) và một số doanh nghiệp do Giám đốc Trung tâm Đào Nhất Đào làm Trưởng đoàn. 

Mối nguy hiểm hiện hữu: WHO phát hiện chủng cúm gia cầm AH5N1 ở bò và dê
Mối nguy hiểm hiện hữu: WHO phát hiện chủng cúm gia cầm AH5N1 ở bò và dê

Ngày 18/4, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo về tình trạng ngày càng nhiều loài mới, trong đó có cả con người, bị lây nhiễm virus cúm gia cầm H5N1 và có thể phải đối mặt với tỷ lệ tử vong cao bất thường.

Chuyên gia trao đổi các giải pháp sống chung với hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long
Chuyên gia trao đổi các giải pháp sống chung với hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long

Về lâu dài, cần tăng cường công tác quản lý, sử dụng tài nguyên nước. Có hệ thống công trình thủy lợi chống mặn; Phát triển hệ thống hồ chứa nước ngọt, cung cấp nước sạch liên vùng; Thay đổi cơ cấu mùa vụ hợp lý, phát triển các giống cây trồng chống chịu với hạn hán và xâm nhập mặn.

Những chuyện kể đầy xúc cảm về phi công Đoàn Bay 919
Những chuyện kể đầy xúc cảm về phi công Đoàn Bay 919

Không quân vận tải 919 (Cục Không quân, Bộ Quốc phòng), Đoàn Bay 919 là đơn vị bay vận tải quân sự - hàng không dân dụng đầu tiên của đất nước.