Nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia, Chủ tịch Hội đồng Liên Nghị viện các Quốc gia Đông Nam Á (AIPA) Samdech Heng Samrin, sáng 19/11, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam bắt đầu lên đường thăm chính thức Vương quốc Campuchia và tham dự Đại hội đồng Liên Nghị viện các nước ASEAN lần thứ 43 (AIPA-43) từ ngày 19/11 - 22/11. 

Sáng nay, ngày 19/11, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lên đường thăm chính thức Campuchia, dự AIPA-43
Sáng nay, ngày 19/11, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lên đường thăm chính thức Campuchia, dự AIPA-43.

Tham dự đoàn có các Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác Đại biểu Nguyễn Thị Thanh; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội, Thượng tướng Lê Tấn Tới; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan; Thượng tướng Vũ Hải Sản, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên Phạm Đại Dương. 

Chuyến thăm chính thức đến Vương quốc Campuchia nhằm thúc đẩy đưa quan hệ “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả hơn. Trao đổi về phương hướng hợp tác giữa cơ quan lập pháp hai nước trong thời gian tới cả trong khuôn khổ song phương và đa phương; trao đổi ý kiến về vấn đề quốc tế và khu vực mà hai bên cùng quan tâm.

Tại Campuchia, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước ta sẽ tham dự Đại hội đồng Liên Nghị viện các nước ASEAN lần thứ 43 (AIPA-43). Chủ đề chính của Đại hội đồng AIPA-43 là “Cùng nhau tiến bộ vì một ASEAN tự cường, bao trùm và bền vững”.

Đại hội đồng sẽ tập trung thảo luận các vấn đề về gồm:

1.Hòa bình, an ninh, chủ nghĩa đa phương và vai trò trung tâm của ASEAN;

2.Tăng cường ngoại giao nghị viện về an ninh hàng hải, thúc đẩy ổn định khu vực ở Đông Nam Á;

3.Thúc đẩy hợp tác nghị viện vì sự tăng trưởng kinh tế bao trùm và bền vững thông qua cách tiếp cận tích hợp các tiêu chí Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG);

4.Nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) trong chuyển đổi kỹ thuật số và thúc đẩy du lịch, phục hồi kinh tế;

5.Tăng cường chuyển đổi kỹ thuật số để bảo vệ xã hội toàn diện; Tăng cường bảo vệ sức khỏe xã hội để giải quyết các thách thức trong ASEAN;

6.Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ vì sự phục hồi bền vững, bao trùm và tự cường sau COVID-19;

7.Nâng cao vai trò của nữ nghị sĩ trong việc đẩy mạnh chương trình nghị sự về phụ nữ, hòa bình và an ninh; Phát huy sự tham gia của thanh niên vì một cộng đồng ASEAN thịnh vượng và phát triển bền vững.

Theo VOV.vn