Theo đó, vấn đề hội nhập kinh tế ASEAN đã được đề cập trong một số Nghị quyết của AIPA. Điển hình như Nghị quyết số 39GA/2018/ECO/03 về hội nhập kinh tế khu vực ngày càng sâu rộng trong ASEAN; Nghị quyết số 40GA/2019/ECO/01 về thúc đẩy phát triển bao trùm trong ASEAN; Nghị quyết số 40GA/2019/ECO/03 về Cải thiện kết nối số nhằm hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và vừa và Nghị quyết số 41GA/2020/ECO/01 về vai trò của các Nghị viện trong thúc đẩy sự gắn kết và phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự Lễ bế mạc. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự Lễ bế mạc (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tại Hội nghị, Ủy ban Kinh tế của Đại hội đồng AIPA 42 đã thông qua Nghị quyết về "Thúc đẩy ASEAN số có tính bao trùm nhằm nâng cao năng lực cho doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ, vừa và tăng cường hội nhập kinh tế ASEAN" và Nghị quyết về "Phục hồi kinh tế sau đại dịch: Hợp tác du lịch trong ASEAN".

Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham gia đóng góp vào Nghị quyết số 40GA/2019/ECO/01 về thúc đẩy ASEAN số có tính bao trùm nhằm nâng cao năng lực cho doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ, vừa và tăng cường hội nhập kinh tế ASEAN.

Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam ủng hộ việc thúc đẩy chuyển đổi số nhằm nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ, vừa - một trong những đối tượng dễ bị tổn thương nhất bởi tác động của đại dịch COVID-19. Các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa là “xương sống” của nền kinh tế ASEAN. Do đó, cần phải tăng tốc quá trình phục hồi cho doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa thông qua nâng cao kỹ năng chuyển đổi số và phát triển tinh thần khởi nghiệp - kinh doanh và thúc đẩy sử dụng công nghệ kỹ thuật số và thương mại điện tử nhằm cho phép các doanh nghiệp này trụ vững trong suốt giai đoạn khủng hoảng.

Ngoài ra, hợp tác giữa ASEAN và các đối tác bên ngoài cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc hỗ trợ các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa đang chịu tác động của COVID-19.

Đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam kiến nghị, các nghị viện thành viên AIPA cần hoàn thiện cơ sở pháp lý và chính sách hướng tới hài hòa hóa hội nhập kinh tế và phục hồi xanh và bao trùm tại khu vực ASEAN; ưu tiên kết nối, đặc biệt là kết nối tiểu vùng, vùng sâu và vùng xa, nhằm đạt được mục tiêu hội nhập tại các ngành kinh tế có tính dẫn dắt cho quá trình hội nhập kinh tế tổng thể khu vực ASEAN.

Đồng thời, các nghị viện thành viên AIPA cần huy động và phân bổ đủ ngân sách và nguồn lực cho kết nối kỹ thuật số. Trong đó, nhấn mạnh công tác đào tạo, nâng cao năng lực kỹ thuật số cho người dân trong khu vực ASEAN, ủng hộ việc thực thi có hiệu quả Chiến lược chuyển đổi số bao trùm thuộc Khung phục hồi tổng thể ASEAN và đẩy nhanh việc xây dựng Chiến lược hợp nhất Cách mạng công nghiệp 4.0 cho ASEAN.

Nhằm thúc đẩy kết nối số và thu hẹp khoảng cách phát triển trong quá trình chuyển đổi số, các nghị viện thành viên AIPA cần tăng cường hợp tác trong hài hòa hóa chính sách, pháp luật hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số ở ASEAN.

Ngọc Khánh