Ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch Tập đoàn Sunhouse
Thành công của Việt Nam trong kiểm soát đại dịch Covid-19 và những chính sách tích cực nhằm khôi phục kinh tế đang thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư nước ngoài và các tập đoàn kinh tế lớn toàn cầu. Hàng loạt các câu hỏi được đặt ra: Liệu Việt Nam đã sẵn sàng đón nhận làn sóng đầu tư mới? Phải làm gì để cuộc dịch chuyển này sẽ chọn "bến đỗ" là Việt Nam? Các DN Việt nhìn nhận và tận dụng cơ hội này ra sao?...
Trong kinh nghiệm của một người làm sản xuất, ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch Tập đoàn Sunhouse nhấn mạnh cơ hội đầu tư FDI vào Việt Nam sau chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, làn sóng đó không giống như mọi người đã tưởng.
Đồng quan điểm về sự thận trọng trong cơ hội đón sóng FDI hậu Covid-19, ông Phú cho rằng, Việt Nam từng đi làm thuê và đã phải trả những cái giá rất đắt khi trở thành nơi gia công cho nước ngoài. Những mặt trái của sản xuất, đặc biệt là ô nhiễm môi trường, vẫn đang khiến người Việt phải trả giá.
Chính vì lý do đó, ông Phú mong đợi và hy vọng lần đón vốn này được tiến hành hiệu quả và có chiều sâu. "Phải tự chủ 80% GDP mới được coi là tự cường. Việc đứng giữa, chỉ nhập vào xuất ra, khiến Việt Nam chỉ kiếm được một chút về nhân công. Tuy nhiên, sau này, con cháu chúng ta sẽ phải xử lý tồn dư hóa chất độc hại trong nước, trong đất từ quá trình này. Cái chúng ta nhận được bây giờ chả đáng là bao", ông Phú phân tích.
Tuy nhiên, vị chủ tịch Sunhouse cũng chỉ ra những điểm yếu cố hữu của người Việt. Một trong số đó là kỷ luật trong sản xuất. Khi vào Việt Nam, các tập đoàn đa quốc gia thường không muốn “dây dưa” về mặt pháp lý nên họ mong đợi sự hoàn thiện từ các đối tác Việt. Ông Phú mong muốn các nhà quản lý, nhà chức trách tạo điều kiện giúp đỡ các DN Việt vượt qua những rào cản này để có thể đón được làn sóng sản xuất và trở thành nhà sản xuất cho thế giới, từ đó làm chủ được những công nghệ của nước ngoài.
Việc đón nhận làn sóng dịch chuyển cần thực hiện nghiêm túc bởi nó không hề đơn giản. Trong vai trò một DN, ông Phú nhấn mạnh những cơ hội mất đi do dịch Covid-19 ngay cả khi Việt Nam thành công lớn trong việc ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Dẫu vậy, những thành công trong giai đoạn đầu có thể không còn phát huy được hiệu quả trong giai đoạn tiếp theo nếu Việt Nam chọn cách đóng cửa với thế giới bên ngoài.
Việc đóng cửa giúp Việt Nam tránh được nguy cơ bùng phát dịch bệnh nhưng nếu tình trạng phong tỏa kéo dài, Việt Nam có thể sẽ bị tụt hậu. Trong bối cảnh công nghệ tiến bộ vượt bậc từng ngày, các cơ quan quản lý cần có những biện pháp quản trị dịch bệnh tốt để Việt Nam có thể mở cửa và nắm bắt những cơ hội do dịch bệnh tạo ra.
Bên cạnh đó, ông Phú cũng để ngỏ câu hỏi về năng lực của cán bộ địa phương trong việc đón nhận cơ hội từ dịch Covid-19 dù lãnh đạo cấp cao đã có những tuyên bố và hành động cụ thể và quyết liệt. Chính việc cán bộ thực thi chưa hiểu được cơ hội và thách thức của DN Việt trong cuộc chiến thu hút đầu tư so với các DN nước ngoài có thể là rào cản.
Trở lại với câu chuyện của DN Việt, ông Phú cho rằng, DN hoạt động trong lĩnh vực nào thì phải liên tục đổi mới để có thể tận dụng cơ hội. DN Việt phải cố gắng tận dụng mọi cơ hội để thay đổi quy trình, bắt kịp với DN toàn cầu để có cơ hội làm bạn, hợp tác.
"Nếu cứ làm theo kiểu con hát mẹ khen hay thì không bao giờ biết mình đang ở đâu. Mỗi DN phải luôn so sánh mình với bên ngoài, lấy DN của nước ngoài làm hình mẫu và từng bước tiệm cận với họ về các mặt", ông Phú nói.
T.Nguyên