Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên tiếng về xung đột Nga - Ukraine - 1

Tổng thống Mỹ Joe Biden trao đổi trực tuyến với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: AFP).

"Cuộc khủng hoảng Ukraine không phải là điều chúng tôi muốn thấy", Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói với Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc điện đàm kéo dài 2 giờ hôm 18/3.

"Các sự kiện này một lần nữa cho thấy các quốc gia không nên để đến mức gặp nhau trên chiến trường. Xung đột và đối đầu không mang lại lợi ích cho bất kỳ ai, hòa bình và an ninh là điều mà cộng đồng quốc tế nên coi trọng nhất", ông Tập nói thêm.

Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cuộc điện đàm được tổ chức "theo đề nghị" của Mỹ. Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về các vấn đề song phương cũng như các vấn đề quốc tế.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh Bắc Kinh luôn "ủng hộ hòa bình và phản đối chiến tranh", kêu gọi tất cả các bên liên quan đến cuộc xung đột giữa Moscow và Kiev cần đi theo con đường ngoại giao.

"Tất cả các bên cần cùng nhau hỗ trợ Nga và Ukraine đối thoại và đàm phán nhằm mang lại kết quả và dẫn đến hòa bình", Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra tuyên bố sau cuộc điện đàm.

Ông Tập cho biết Trung Quốc và Mỹ phải điều chỉnh quan hệ song phương đi đúng hướng, đồng thời gánh vác những trách nhiệm quốc tế và hành động vì hòa bình thế giới.

Về phần mình, Tổng thống Biden "nhấn mạnh sự ủng hộ của ông đối với một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng" tại Ukraine. Theo thông báo của Nhà Trắng, nhà lãnh đạo Mỹ cũng cảnh báo Bắc Kinh về "những tác động và hậu quả nếu Trung Quốc hỗ trợ vật chất cho Nga".

Trước đó, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan hôm 13/3 cũng cảnh báo Bắc Kinh sẽ đối mặt hậu quả nếu giúp Nga né tránh các lệnh trừng phạt. Mỹ và các đồng minh châu Âu đã áp đặt các biện pháp trừng phạt mà trước đó họ cho rằng "khó xảy ra" hoặc "phương án cuối cùng" như cấm vận dầu mỏ, khí đốt hay loại Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, sau khi Moscow mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Ông Sullivan cho biết Mỹ nghi ngờ Trung Quốc đã nắm được thông tin về kế hoạch của Nga, trước khi Moscow triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine vào ngày 24/2. Tuy nhiên, ông cho rằng Trung Quốc dường như không biết trước quy mô thực sự của chiến dịch. 

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ cho biết, chính quyền Tổng thống Joe Biden đang theo dõi mọi sự hỗ trợ về nguồn lực và kinh tế của Trung Quốc đối với Nga và nói thêm rằng, đó là một "mối quan ngại" đối với Nhà Trắng.

Báo Financial Times và Washington Post dẫn nguồn tin từ các quan chức Mỹ ngày 13/3 cho biết, Nga được cho là đã đề nghị Trung Quốc hỗ trợ thiết bị quân sự kể từ khi Moscow mở chiến dịch quân sự tại Ukraine. Người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ đã bác bỏ thông tin trên, đồng thời tuyên bố ưu tiên của Bắc Kinh là "ngăn chặn tình hình căng thẳng ở Ukraine leo thang hoặc vượt khỏi tầm kiểm soát".

Cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine khiến Trung Quốc rơi vào tình thế khó xử khi cả Nga và Ukraine đều là đối tác của Bắc Kinh. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Ukraine và cũng là khách hàng mua thiết bị quân sự quan trọng của Ukraine. Trong khi đó, Nga và Trung Quốc gần đây tuyên bố quan hệ hai nước là đối tác chiến lược "không có giới hạn".

Theo dantri.com.vn