Như Thương hiệu và Công luận đã đưa tin, tại số 188 Phủ Thượng Đoạn, Đông Hải 1, quận Hải An, TP. Hải Phòng được dán tên Tổng kho gia đụng mina Quỳnh Anh – Thực phẩm sạch, Ruby Việt và Khánh Anh thường xuyên live trực tiếp trên mạng xã hội facebook với nhiều tên như: Quynh Anh Mina, Tổng kho gia dụng Mina Quỳnh Anh,… Tại đây bán nhiều hàng hóa nước ngoài không có nhãn phụ tiếng Việt, chất lượng sản phẩn không rõ ràng,… Ngoài việc cơ sở này bị phản ánh bán hàng không rõ nguồn gốc thì tại đây còn có hiện tượng kêu gọi đầu tư trả lãi cao và cho vay nặng lãi.
Kinh doanh không đúng ngành nghề, địa điểm, mặt hàng đã đăng ký là vi phạm pháp luật
Theo nguồn tin riêng của phóng viên, bà V.T.A.Ng (sinh năm 1985) là đại diện pháp luật của Công ty TNHH Thương mại đầu tư và sản xuất Ruby Việt (sau đây gọi tắt là Ruby Việt), có địa chỉ tại số 11/13/149 Phủ Thượng Đoạn, phường Đông Hải 1, quận Hải An, TP. Hải Phòng. Được biết, tại địa chỉ 11/13/149 Phủ Thượng đoạn có treo biển công ty TNHH TMĐT và SX Ruby Việt nhưng lại là cơ sở buôn bán và sản xuất bún.
Công ty Ruby Việt được cấp phép hoạt động với 8 mã ngành sản xuất và kinh doanh. Ngành nghề chính của Ruby Việt là sản xuất mỹ phẩm, xà phòng, chất tẩy rửa, làm bóng và chế phẩm vệ sinh (mã ngành 2023). Đối với mã ngành chính, Ruby Việt đã đưa ra thị trường sản phẩm nước giặt, nước xả vải, nước rửa chén...
Theo quy định tại Điều 6 nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, phạt tiền từ 1 triệu đồng cho đến 5 triệu đồng đối với hành vi kinh doanh không đúng ngành nghề, địa điểm, mặt hàng đã đăng ký.
Theo phản ánh của bạn đọc, nước giặt Ruby can màu tím có dung tích 5 lít bày bán tại 188 Phủ Thượng Đoạn trên sản phẩm không ghi địa chỉ cụ thể của công ty, không số điện thoại liên hệ mà chỉ có tên công ty.
Điều 10 nghị định số 43/2017/NĐ-CP và khoản 5 Điều 1 nghị định 111/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/02/2022 sửa đổi một số điều của nghị định số 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ về những nội dung bắt buộc ghi trên nhãn hàng hóa khi đưa ra buôn bán, lưu thông trên thị trường Việt Nam: Tên hàng hóa, xuất xứ hàng hóa, tên và địa chỉ tổ chức - cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa, nội dung bắt buộc theo tính chất của mỗi loại hàng hóa, ngày sản xuất, hạn sử dụng, điều kiện bảo quản, hướng dẫn sử dụng... Nếu nhãn của hàng hóa không đủ thể hiện các nội dung trên thì phải ghi trong tài liệu kèm theo hàng hóa và phải chỉ ra nơi thể hiện nội dung đó.
Người phạm tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự có thể phạt tù đến 05 năm
Liên quan đến việc kêu gọi đầu tư bà N.T.A.Ng thường xuyên live trên mạng xã hội facebook, xen lẫn việc bán hàng thì bà Ng còn kêu gọi đầu tư với lãi suất cao. Gói đầu tư thấp nhất mà bà Ng kêu gọi là từ 10 triệu. “Các bác ngày mai đầu tư sẽ được chia lợi nhuận 60% tổng giá trị đầu tư trong 1 năm” và được “tặng bộ nồi Đức 6 món siêu đẹp. Nhà đầu tư đặc biệt sẽ được tặng máy xay sữa hạt”. Như vậy, nếu đầu tư 10 triệu thì sau 1 năm sẽ được nhận 16 triệu và được tặng bộ nồi Đức 6 món.
Theo thông tin bạn đọc cung cấp, nếu đầu tư thì người đầu tư sẽ được nhận một bộ “Hợp đồng góp vốn kinh doanh” in sẵn chỉ cần điền thông tin bên góp vốn, số tiền và ngày trả lãi. Tại điều 1 của hợp đồng góp vốn kinh doanh quy định đối tượng hợp đồng là: “ Bên B đồng ý góp vốn cho bên A và cùng với đối tác của bên A để đầu tư vào nước giặt Ruby”. Đứng tên bên nhận góp vốn là bà N.T.A.Ng có địa chỉ thường trú tại số 11/13 Phủ Thượng Đoạn, Đông Hải 1, quận Hải An, TP. Hải Phòng. Về bản chất việc kêu gọi đầu tư bằng hợp đồng góp vốn kinh doanh là việc cá nhân bà Ng vay tài sản.
Tại điều 467 Bộ luật dân sự quy định về việc sử dụng tài sản vay như sau: Các bên có thể thỏa thuận về việc tài sản vay phải được sử dụng đúng mục đích vay. Bên cho vay có quyền kiểm tra việc sử dụng tài sản và có quyền đòi lại tài sản vay trước thời hạn nếu đã nhắc nhở mà bên vay vẫn sử dụng tài sản trái mục đích.
Đồng thời bà Ng cũng cho vay vốn đầu tư. Cụ thể, nếu vay vốn thì “’chị cho vay 10 triệu lãi 1,5 triệu/tháng cắt lãi trước”. Khi vay thì người vay cần cung cấp “chứng minh nhân dân và sổ hộ khẩu” và “ em qua 188 Phủ Thượng Đoạn gặp anh Q”. Như vậy nếu vay 10 triệu thì 1 năm người vay sẽ phải trả 18 triệu tiền lãi, chưa bao gồm tiền gốc.
Tại khoản 1 điều 468 Bộ Luật dân sự quy định: Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Tuy nhiên, bà Ng đã cho vay với lãi suất đã vượt quá 20%/năm.
Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự được quy định tại Điều 201 Bộ luật hình sự 2015 như sau:
Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
Phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Như vậy, theo Điều 201 Bộ luật hình sự thì người phạm tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự có thể phạt tù đến 05 năm.
Dư luận cho rằng, cơ sở này sử dụng những sản phẩm không rõ nguồn gốc như bộ nồi Đức, máy xay sữa hạt không rõ nguồn gốc để làm quà tặng,... kêu gọi vốn đầu tư nước giặt nhưng lại dùng để cho vay lãi cao và ăn chênh lệch.
Mai Lương
(Còn nữa)